Kỹ thuật nhổ răng khôn được áp dụng trong trường hợp răng khôn mọc ngầm hoặc mọc lệch gây bất lợi cho quá trình ăn nhai và sinh hoạt hằng ngày. Bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ gợi ý cho bạn những lưu ý sau khi nhổ răng khôn giúp đẩy nhanh tốc độ lành thương và ngăn ngừa biến chứng hiệu quả.
Lưu ý quan trọng ngay sau khi nhổ răng khôn
Bên cạnh tay nghề và kỹ thuật của bác sĩ thì vết thương sau khi nhổ răng khôn có nhanh lành hay không còn phụ thuộc vào chế độ chăm sóc hậu phẫu. Từ việc ăn uống, vệ sinh cho đến các thói quen sinh hoạt hằng ngày cần phải được điều chỉnh để phù hợp với giai đoạn này, tránh tình trạng nhiễm trùng. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, bệnh nhân cần chú ý tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
Cắn bông gạc cầm máu
Sau khi hoàn tất quy trình nhổ răng khôn, bác sĩ sẽ vệ sinh toàn bộ khoang miệng và khâu vết thương lại. Tiếp đến là đặt một miếng băng gạc lên vị trí răng vừa nhổ giúp cầm máu tốt hơn. Lúc này, bệnh nhân cần chú ý cắn chặt và giữ yên miếng bông gạc trong vòng 1 giờ để lỗ răng hình thành cục máu đông giúp bịt kín vết thương.
Chườm lạnh
Sau khi nhổ răng khôn, bệnh nhân sẽ có cảm giác đau nhức, ê buốt tùy mức độ theo cơ địa của từng người, thậm chí một số trường hợp còn bị sưng má. Đây là hiện tượng sinh lý hết sức bình thường do tác dụng của thuốc tê khiến các mô mềm co giãn đàn hồi kèm sung huyết động mạch. Khi đó, bạn có thể áp dụng biện pháp chườm lạnh để giảm nhanh cơn đau nhức.
Được biết, nhiệt độ thấp từ đá lạnh sẽ làm mạch máu co lại giúp cục máu đông hình thành nhanh hơn bình thường, từ đó ngăn chặn tình trạng chảy máu kéo dài. Tuy nhiên, bệnh nhân cần chú ý không đặt trực tiếp đá lạnh lên vết thương.
Bạn hãy cho vài viên đá vào một chiếc khăn sạch, sau đó chườm lên vùng má bị sưng để tránh hiện tượng bỏng nhiệt. Tốt nhất, bệnh nhân nên sử dụng túi chườm lạnh y tế giúp thao tác dễ dàng hơn, hạn chế tình trạng rỉ nước gây khó chịu khi thực hiện.
Dùng thuốc giảm đau, kháng sinh, kháng viêm theo chỉ định
Ngoài việc hướng dẫn người bệnh chăm sóc răng tại nhà, bác sĩ sẽ kê thêm một số loại thuốc giảm đau và kháng sinh để đẩy nhanh tốc độ lành thương. Bạn cần chú ý uống thuốc đúng liều lượng, tuyệt đối không lạm dụng thuốc để tránh tác dụng phụ.
Thuốc giảm đau được sử dụng nhiều nhất là efferalgan với thành phần chính là paracetamol có công dụng giảm đau, hạ sốt hiệu quả. Bạn có thể dùng 1 – 2 viên/lần, mỗi lần cách nhau 4 tiếng, 1 ngày uống không quá 8 viên.
Thêm vào đó, trường hợp bệnh nhân bị đau dạ dày hoặc rối loạn hệ tiêu hóa cần thông báo với nha sĩ để kê đơn thuốc phù hợp. Bởi một số loại thuốc có chứa thành phần corticoid gây hại cho dạ dày.
Nghỉ ngơi, không chơi thể thao hoặc vận động mạnh
Trong thời gian đầu sau khi nhổ răng khôn, bạn cần phân bổ công việc hợp lý để dành nhiều thời gian nghỉ ngơi giúp cơ thể phục hồi tốt hơn. Đặc biệt, không vận động mạnh hoặc chơi thể thao, tránh tác động mạnh khiến vết thương bị nhiễm trùng.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng phải điều chỉnh tư thế ngủ, không nằm nghiêng về vị trí răng vừa nhổ để máu không bị ứ đọng do tăng nhiệt độ hoặc tạo áp lực mạnh lên các mô mềm xung quanh. Tốt nhất, bạn nên nằm thẳng lưng, gối đầu cao hơn một chút giúp vết thương mau lành.
Kiêng thuốc lá
Các chuyên gia cảnh báo bệnh nhân tuyệt đối không hút thuốc lá trong một tuần đầu sau khi nhổ răng khôn. Được biết, thuốc lá chứa 3 thành phần chính bao gồm nicotine, carbon oxit và acid cyanhydric. Đây đều là những hoạt chất gây hại cho cơ thể, làm co mạch ngoại vi và rối loạn chức năng tế bào đa nhân trung tính. Điều này khiến nồng độ oxy trong máu giảm, làm chậm quá trình lành thương, thậm chí khiến vết thương bị nhiễm trùng.
Tái khám
Tuân thủ lịch tái khám răng theo chỉ định để bác sĩ kiểm tra vết thương và xử lý các vấn đề phát sinh. Đồng thời, nha sĩ sẽ kê thêm một số loại thuốc bổ giúp cơ thể nhanh hồi phục.
Ăn gì sau khi nhổ răng khôn?
Chế độ ăn uống cũng ảnh hưởng lớn đến tốc độ lành thương, do đó bệnh nhân cũng cần chú ý kiểm soát lượng đồ ăn tiêu thụ trong những ngày đầu tiên sau khi nhổ răng. Các loại thực phẩm được khuyến khích trong thời gian này bao gồm:
- Thức ăn mềm, dễ nuốt: Sau khi nhổ răng, bạn sẽ cảm thấy hơi khô và đắng miệng nên không muốn ăn bất kỳ loại thực phẩm nào hết. Tuy nhiên, bệnh nhân cần chú ý bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể bằng các món ăn mềm, dễ nuốt, điển hình như cháo, súp. Các món ăn này không cần dùng lực nhai nhiều, hạn chế kích ứng khu vực răng khôn vừa nhổ.
- Đồ ăn mát lạnh: Đồ ăn lạnh giúp giảm đau nhức, sưng tấy, đồng thời làm co mạch máu giúp cầm máu tốt hơn. Do đó, bệnh nhân có thể ăn các món ăn lạnh khoảng 2 – 4 tiếng sau khi hoàn tất quy trình nhổ răng khôn. Chú ý không ăn các loại kem có hạt bởi chúng dễ bị mắc kẹt và đẩy cục máu đông ra khỏi vết thương. Tốt nhất, bạn nên uống nước ép trái cây hoặc các loại sinh tố mát lạnh, vừa tạo cảm giác ngon miệng, vừa cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
- Thực phẩm giàu dinh dưỡng: Sau khi nhổ răng khôn khoảng 3 ngày, bệnh nhân hoàn toàn có thể ăn nhai như bình thường. Lúc này, bạn cần chú ý bổ sung các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng để cơ thể phục hồi lại trạng thái ban đầu, tránh tình trạng suy nhược, mệt mỏi dẫn đến sụt cân, ngất xỉu. Tuy nhiên, bệnh nhân nên ăn tại khu vực không nhổ răng nhằm ngăn chặn thức ăn rơi vào huyệt ổ răng gây khó khăn cho việc vệ sinh và làm sạch.
Bên cạnh các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, người bệnh cũng cần hạn chế các loại đồ ăn sau:
- Thức ăn cứng, dai, giòn: Lưu ý quan trọng sau khi nhổ răng khôn chính là không ăn các loại đồ ăn quá cứng, quá dai hoặc quá giòn. Bởi chúng làm cho cơ hàm phải hoạt động mạnh, từ đó gây ảnh hưởng đến vết thương. Hơn nữa, các món ăn này cần dùng lực nhai nhiều khiến bạn cảm thấy đau nhức dữ dội. Các loại bánh quy, kẹo ngọt, đồ chiên rán là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhiễm trùng, vì vậy bệnh nhân cần chú ý hạn chế tối đa.
- Thức ăn cay, nóng: Thức ăn cay sẽ kích thích vị trí răng khôn vừa nhổ gây viêm loét, nhiễm trùng, thậm chí hoại tử. Ngược lại, đồ ăn quá nóng làm giãn mạch máu, khiến cục máu đông tan ra, từ đó làm chậm quá trình lành thương.
- Nước ngọt có ga: Nước ngọt có ga chứa lượng đường cao gây tình trạng sưng tấy kéo dài.
- Đồ chua: Thực phẩm có tính axit cũng không phải là lựa chọn hoàn hảo trong thời gian này, bởi chúng có thể gây tác động xấu đến quá trình hồi phục vết thương.
- Rượu bia: Các chất kích thích trong rượu bia sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình hồi phục vết tương, đồng thời làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng kèm theo nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Không chỉ riêng những loại thực phẩm trên mà trước khi ăn bất kỳ món gì, bạn cũng cần cân nhắc và kiểm tra thật kỹ nhằm hạn chế tình trạng dị ứng hoặc viêm nhiễm xảy ra.
Vệ sinh răng miệng như thế nào sau khi nhổ răng số 8?
Vệ sinh răng miệng như thế nào sau khi nhổ răng khôn là thắc mắc của nhiều người. Theo ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa, bệnh nhân không nên súc miệng bằng nước muối hoặc đánh răng trong khoảng 24 giờ đầu để vết thương ổn định và tránh tình trạng chảy máu kéo dài. Sau thời gian này, bạn nên làm sạch răng miệng bằng nước muối ấm.
Khi vết thương lành, bệnh nhân có thể vệ sinh khoang miệng bằng bàn chải và kem đánh răng chuyên dụng. Chú ý chải răng với lực nhẹ nhàng, không đưa bàn chải đến gần vị trí răng khôn vừa nhổ.
Các chuyên gia khuyến khích bệnh nhân nên dùng thiết bị chăm sóc răng miệng thông minh như bàn chải điện hay máy tăm nước. Các thiết bị này được thiết lập sẵn chế độ làm sạch giúp loại bỏ hoàn toàn cặn thức ăn trong kẽ răng mà không gây tổn hại đến khu vực răng bị tổn thương.
Trên đây là các lưu ý sau khi nhổ răng khôn mà bạn nhất định phải biết. Hy vọng, bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích, từ đó xây dựng kế hoạch chăm sóc răng miệng thật tốt, tránh biến chứng nguy hiểm.