Đau răng là triệu chứng bất thường mà bất cứ đối tượng nào cũng có thể gặp phải. Nếu cảm giác đau buốt kéo dài và nghiêm trọng có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh hoạt thường ngày. Bên cạnh đó đây có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về cách khắc phục vấn đề này.
Đau răng là gì?
Bị đau răng là cảm giác khó chịu mà không ai mong muốn xảy đến. Tình trạng này có thể khởi phát do nhiều nguyên nhân và biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau. Các cơn đau thường xuất hiện bất chợt, kéo dài hoặc tự biến mất trong thời gian ngắn. Khi đó, bề mặt răng sẽ có cảm giác đau buốt, thậm chí dấu hiệu này có thể đến từ bên trong tủy. Bên cạnh đó, đau răng thường đi kèm với một số biểu hiện như:
- Đau nhức bề mặt răng ở từng vùng nhất định.
- Cảm giác sốt nhẹ.
- Đau răng sưng lợi hoặc thậm chí chảy máu nhẹ ở vùng kẽ răng.
Bị đau răng do những nguyên nhân nào?
Đau răng có thể khởi phát do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trên thực tế, tình trạng này có thể cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm. Việc nắm bắt các yếu tố gây bệnh sẽ giúp bạn kịp thời ngăn ngừa khả năng tái phát, biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là một số nguồn gốc khiến đau răng khởi phát mà độc giả không thể bỏ qua.
Nguyên nhân bệnh lý
Đau lợi răng, đau bề mặt kèm theo các biểu hiện phức tạp như ê buốt, chảy máu hoặc sưng lợi chính là hồi chuông cảnh báo sự tấn công của vi khuẩn trong khoang miệng. Khi nhận thấy các dấu hiệu này, rất có thể bạn đang mắc một trong số bệnh lý nha khoa như:
Đau răng do viêm tủy
Tủy là tổ chức quan trọng bên trong cấu trúc của răng, chứa đựng nhiều dây thần kinh cảm giác và có khả năng cung cấp dưỡng chất cho răng. Tuy nhiên, nếu vi khuẩn tấn công gây ra tổn thương, tác động xấu tới tủy sẽ dẫn tới tình trạng đau nhức kéo dài. Mức độ cơn đau sẽ từ nhẹ tới nặng và có khả năng tái phát thường xuyên.
Bên cạnh đó, khi nha sĩ loại bỏ phần tủy bị viêm sẽ đồng thời lấy đi nguồn dinh dưỡng cho răng, khiến răng dễ mòn, yếu và mủn theo thời gian.
Nếu thói quen sinh hoạt và vệ sinh kém khoa học có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công. Khi số lượng vi khuẩn cư trú trong khoang miệng đã đạt tới số lượng nhất định sẽ dẫn tới quá trình mất khoáng, tổn thương mô cứng. Lâu dần, bề mặt răng sẽ xuất hiện các lỗ nhỏ trên răng, có màu đen và thậm chí lây lan sang các vị trí bên cạnh.
Sâu răng có thể tạo ra cảm giác ê buốt, đau nhức kéo dài. Lâu ngày vi khuẩn sẽ tấn công vào trong tủy, tổn thương tới các dây thần kinh cảm giác và được xem là “thủ phạm” chính trong việc gây ra tình trạng đau nhức răng sâu
Viêm nha chu gây đau lợi răng
Nha chu là các tổ chức xung quanh răng có vai trò hỗ trợ vị trí và độ bền của răng. Khi vi khuẩn tấn công gây ra viêm nhiễm sẽ làm mất dần liên kết giữa các tổ chức này. Trong thời gian đầu, người bệnh chỉ cảm thấy tình trạng đau nhức ở mô mềm (nướu răng). Sau đó ảnh hưởng tới xương ổ răng.
Bên cạnh hiện tượng đau răng sưng lợi, người bệnh có thể cảm giác thấy phần nướu chảy máu, hôi miệng, xuất hiện khoảng cách giữa lợi và răng. Đây sẽ trở thành môi trường lý tưởng cho vi khuẩn hoạt động. Lâu dần sẽ dẫn tới lộ thân răng và thậm chí mất răng.
Đau răng dẫn đến đau tai do áp xe
Viêm chóp răng dẫn tới nhiễm trùng và không được điều trị kịp thời sẽ gây ra biến chứng áp xe. Các túi mủ hình thành có chứa dịch viêm, xác vi khuẩn hoặc tế bào bạch cầu. Khi phần lợi bị sưng viêm sẽ khiến người bệnh cảm giác đau răng dữ dội, cản trở quá trình hoạt động của hàm và phá hủy của các mô quanh răng, dẫn tới chết tủy, mất răng.
Trên thực tế, áp xe răng được chia thành 2 loại chính là áp xe quanh răng và áp xe vùng nha chu. Để giảm cảm giác đau răng sưng lợi, bạn sẽ buộc phải loại bỏ túi viêm.
Đau răng sưng nướu do viêm lợi trùm
Viêm lợi trùm là tình trạng phần lợi bao phủ bề mặt răng làm cản trở quá trình phát triển. Bệnh chủ yếu khởi phát ở vị trí răng số 8 dẫn tới đau răng cấm. Phần lợi còn dính lên một phần bề mặt răng dẫn tới nguy cơ đọng lại thức ăn thừa, mảng bám chứa vi khuẩn gây viêm, sưng đau.
Nguyên nhân khác
Bên cạnh những yếu tố gây đau răng liên quan tới bệnh lý nha khoa, bạn cũng không nên chủ quan trước các yếu tố gây hại khác như:
Bị đau răng do lấy cao răng
Lấy cao răng định kỳ là quá trình nhằm lấy đi lớp cặn bám lâu ngày ở bề mặt trong của răng, từ đó giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh răng miệng. Vôi răng rất khó để bị loại bỏ chỉ bằng các biện pháp vệ sinh thông thường. Chính vì vậy, bạn nên tới các phòng khám nha khoa để được làm sạch đúng cách. Quá trình tác động lực vào răng để loại bỏ mảng bám bằng sóng siêu âm, khí cụ nha khoa có thể dẫn tới tình trạng bị đau răng nhẹ, tự biến mất sau 2 – 3 tiếng.
Thói quen nghiến răng
Một số người có thói quen nghiến răng khi ngủ, tâm lý căng thẳng sẽ vô tình tạo nên lực chèn ép hai hàm, dẫn tới tình trạng ê buốt nhẹ. Bên cạnh đó, nghiến răng nhiều, thiếu kiểm soát có thể ảnh hưởng tới thẩm mỹ, gây lệch khớp cắn…
Đau buốt răng do chấn thương
Việc tác động một lực mạnh tới răng do chấn thương, va đập hoặc tai nạn sẽ làm tổn hại tới cấu trúc răng gây nứt, vỡ, mẻ. Điều này được xem là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng đau răng ngoài ý muốn, cần được can thiệp nha khoa thẩm mỹ kịp thời.
Đau buốt răng do thói quen ăn uống
Ở một số cá thể có men răng đặc biệt nhạy cảm hoặc yếu hơn so với người còn lại. Điều này đã dẫn tới tăng nguy cơ bị đau răng, ê buốt nhẹ khi ăn các món có nhiệt độ quá nóng, quá lạnh hoặc cần sự vận động xương hàm nhiều.
Biểu hiện đau răng cần chú ý
Bị đau răng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm hoặc cảnh báo thói quen sinh hoạt thiếu khoa học. Tuy nhiên, để nhận diện chính xác tình trạng của răng miệng, bạn không nên bỏ qua những dấu hiệu đi kèm như:
- Đau lợi răng, sưng nướu phần dưới môi kèm theo xuất hiện túi mủ viêm.
- Răng xuất hiện chấm đen, có mùi hôi.
- Răng lung lay, đau răng sưng lợi và lộ phần thân nhiều bất thường.
- Đau răng cấm và các răng bên cạnh do chèn ép.
- Sốt nhẹ hoặc chảy máu kẽ răng.
Bị đau răng khi nào nên đi gặp nha sĩ?
Đối với một số trường hợp đau răng do bệnh lý, bạn nên chủ động tới thăm khám nha sĩ để được khắc phục kịp thời, tránh biến chứng không đáng có.
- Bị đau răng kéo dài hơn 2 – 3 ngày.
- Cường độ và tần suất các cơn đau ngày càng tăng cao hơn
- Sốt cao kèm theo đau răng dẫn tới đau tai.
- Nhiễm trùng dẫn tới hình thành túi mủ, sưng má, đau nhức nghiêm trọng khi nhai.
Cách điều trị bệnh đau răng hiệu quả nhất hiện nay
Đau răng có thể khởi phát do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Để đảm bảo tối đa sức khỏe và tính thẩm mỹ cho hàm răng, độc giả nên tới thăm khám tại các địa chỉ nha khoa uy tín. Tránh tự ý mua thuốc hoặc áp dụng mẹo dân gian chưa được kiểm chứng. Dựa theo từng tình trạng và mức độ tổn thương cụ thể, nha sĩ sẽ đưa ra phác đồ phù hợp nhất.
Cách điều trị đau răng chuẩn y khoa
Đối với mỗi bệnh lý gây đau răng khác nhau sẽ có những cách điều trị nhất định như:
Trám răng
Đối với trường hợp đau nhức răng sâu, nha sĩ sẽ tiến hành cạo sạch phần răng bị đen và mất khoáng. Sau đó sử dụng cement chuyên dụng trong nha khoa để trám vào hố sâu, dùng đèn laser chiếu để cố định lại. Phương pháp này sẽ giúp hạn chế sự lây lan của vi khuẩn tới tủy và các răng bên cạnh.
Triệt tủy
Khi sâu răng tiến triển nghiêm trọng hoặc do các bệnh lý nha chu khác dẫn tới viêm tủy thậm chí chết tủy, buộc các nha sĩ phải tiến hành loại bỏ phần này. Răng sau khi lấy đi toàn bộ phần tủy bị viêm sẽ trở nên giòn, mủn, dễ vỡ hơn do mất đi nguồn cung cấp dưỡng chất..
Phẫu thuật
Đối với các trường hợp viêm nha chu nghiêm trọng, có nguy cơ mất răng hoặc xuất hiện túi dịch sưng lớn sẽ được xem xét tiến hành phẫu thuật. Dựa theo tình trạng sức khỏe cụ thể, nha sĩ thường áp dụng một trong hai kỹ thuật như:
- Phẫu thuật tái tạo: Xương và mô nha chu bị phá hủy sẽ tạo thành túi viêm xung quanh răng. Các túi nha chu ngày càng to và tích tụ nhiều vi khuẩn, dẫn tới tiêu hủy ổ xương và mô nha chu làm cho răng lung lay nhiều. Khi đó, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ túi viêm, một phần xương và mô nha chu có thể tái tạo trở lại.
- Phẫu thuật ghép mô mềm: Tụt lợi lộ chân răng là biến chứng phổ biến nhất của viêm nha chu. Can thiệp phẫu thuật ghép mô mềm ở 1 hoặc nhiều răng sẽ giúp phục hồi những hư hại và ngăn chặn sự phá hủy mô lợi và xương quanh răng. Trong suốt quá trình theo dõi sau phẫu thuật, nha sĩ sẽ chỉ định một vài loại thuốc kháng sinh, chống phù nề hoặc giảm đau.
Trồng răng mới
Khi bị viêm nha chu, áp xe răng hoặc tai nạn dẫn tới mất răng, tổn thương ổ xương, khi đó việc trồng răng mới sẽ giúp bạn ngăn ngừa nguy cơ tiêu xương, xô lệch răng. Bạn có thể tham khảo công nghệ bọc răng sứ, đảm bảo tính thẩm mỹ hoặc trồng răng implant để giảm nguy cơ mài cùi răng, hiệu quả lâu dài hơn.
Dẫn lưu mủ áp xe
Nếu bị đau răng do nhiễm trùng đã xuất hiện ổ áp xe kích thước lớn và gây cản trở tới sức khỏe người bệnh, nha sĩ sẽ tiến hành dẫn lưu, trích rạch mủ. Kỹ thuật phẫu thuật này nhằm rút mủ ra khỏi túi áp xe, vệ sinh toàn diện các vùng bị viêm nhiễm xung quanh, khép miệng vết thương để thúc đẩy quá trình làm lành.
Sau cùng người bệnh sẽ được khuyên dùng một số loại thuốc chống viêm, chống phù nề hoặc kháng sinh, giảm đau.
Mẹo giảm đau buốt răng tại nhà
Việc áp dụng các mẹo dân gian có nguồn gốc từ thiên nhiên sẽ có tác dụng giảm đau tức thì, lành tính cao. Tuy nhiên, những phương pháp này chỉ có vai trò hỗ trợ, đem lại cảm giác thư giãn trong thời gian ngắn chứ hoàn toàn không thể thay thế các giải pháp đặc trị khác.
- Chườm lạnh: Nhiều người lựa chọn chườm lạnh là cách giảm đau hiệu quả. Tác dụng nhiệt là phương pháp giảm đau răng phổ biến nhất, nhiệt độ thấp sẽ giúp hạn chế lưu lượng máu, giảm sưng đau nhanh chóng. Bạn có thể chườm trực tiếp đá lạnh lên vùng má bị sưng hoặc cho vào khăn mặt. Nên di chuyển viên đá linh hoạt mỗi 20 giây để tránh gây hiện tượng bỏng lạnh.
- Tỏi: Thành phần của tỏi chứa một hoạt chất allicin có khả năng kháng khuẩn mạnh, giảm đau, gây tê tạm thời. Bạn có thể giã 2 – 3 tép tỏi đắp lên chỗ sưng viêm hoặc dùng rượu tỏi để súc miệng.
- Bạc hà: Sử dụng tinh dầu bạc hà hoặc lá cũng có tính chất gây tê, hỗ trợ làm dịu cơn đau răng, kháng khuẩn tự nhiên. Bạn có thể ngâm lá bạc hà với 100ml nước nóng trong 20 phút và dùng để súc miệng.
- Đinh hương: Thành phần của đinh hương có chứa Eugenol, tác dụng gây tê tự nhiên, giảm đau một cách an toàn. Bạn nên pha loãng tinh dầu đinh hương với nước theo tỷ lệ 1: 2, sau đó dùng để súc miệng hằng ngày.
Bài thuốc Đông y giúp giảm đau răng
Phương pháp y học cổ truyền là sự kết hợp giữa nhiều loại dược liệu khác nhau, nhằm tác động sâu vào bên trong cơ thể, khắc phục từ từ tổn thương. Đa số các bài thuốc có nguồn gốc Đông y thường không gây tác dụng phụ, phù hợp với nhiều cơ địa. Tuy nhiên, người bệnh chỉ nên ứng dụng các bài thuốc này với vai trò bổ trợ, trường hợp sâu răng tổn thương tủy, viêm nha chu hoặc áp xe vẫn cần phải đến thăm khám nha sĩ.
- Bài thuốc số 1: Chuẩn bị các nguyên liệu bao gồm hương phụ, thanh đại, sinh khương, tiến hành rửa sạch và sao khô. Sau đó đem các vị thuốc cán mịn hoặc nghiền nhỏ thành bột, dùng đắp vào chỗ răng sưng đau ngày 2 – 3 lần. Sau khoảng 5 – 10 phút có thể đánh răng như bình thường.
- Bài thuốc số 2: Nếu đau răng lâu ngày, kéo dài bạn có thể dùng thăng ma kết hợp với cát căn, xích thược, cam thảo, hoàng cầm, liên kiều, mẫu đơn bì, sinh địa hoàng, tri mẫu và sài hồ sau đó sắc lấy nước uống hằng ngày. Bài thuốc này có khả năng giảm đau răng do hỏa nhiệt, nóng trong dẫn tới sưng lợi, giúp tán hỏa, tiêu sưng.
- Bài thuốc số 3: Để điều trị đau răng tái phát nhiều lần, bạn nên dùng bài thuốc chứa hoài sơn, trạch tả, sơn thù, kim ngân, đan sâm, địa sinh, đan bì, phục linh, cốt toái bổ và sắc lấy nước uống ngày 1 thang. Bài thuốc này phù hợp với người đang điều trị viêm nha chu, áp xe giúp giảm đau răng, bổ thận, dưỡng âm, tán ứ.
Hướng dẫn phòng ngừa bệnh lý răng miệng
Triệu chứng đau răng có thể xuất phát từ yếu tố bên ngoài hoặc cảnh báo bệnh lý nha khoa. Chính vì vậy, để ngăn ngừa khả năng tái phát cùng những biến chứng nguy hiểm đòi hỏi độc giả cần chủ động thay đổi lối sống, thói quen hằng ngày.
- Vệ sinh răng miệng bằng cách đánh răng từ 2 – 3 lần mỗi ngày. Cha mẹ nên hình thành cho con thói quen này ngay từ thời điểm mọc răng sữa.
- Nên chọn các loại kem đánh răng có chữa flour tốt cho men răng, đồng thời lựa chọn bàn chải có đầu lông mềm.
- Để việc làm sạch đạt hiệu quả cao nhất, bạn nên kết hợp với các sản phẩm tăm nước, chỉ nha khoa và nước súc miệng.
- Không nên làm sạch răng với lực quá mạnh để tránh dẫn tới nguy cơ tổn thương tới nướu, ê răng.
- Hạn chế ăn quá nhiều loại thực phẩm chứa nhiều chất bảo quản, chất tạo màu gây tổn hại men răng hoặc chất kích thích, dễ gây tích tụ độc tố trong cơ thể.
- Trong quá trình điều trị bệnh đau răng, nên ưu tiên chế biến thành các dạng mềm, dễ nuốt, hạn chế tối đa hoạt động của hàm.
- Nếu trẻ có dấu hiệu đau răng, cha mẹ nên kiểm soát thói quen đưa tay vào miệng hoặc ngậm đồ chơi để tránh nguy cơ nhiễm trùng.
- Tiến hành thăm khám nha khoa thường xuyên, lấy cao răng định kỳ để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh răng miệng.
- Tăng cường bổ sung những thực phẩm chứa vitamin C, D, sắt, kẽm, khoáng chất tốt cho cơ thể, đặc biệt là cải thiện độ bền của men răng, hỗ trợ ngăn ngừa vi khuẩn.
Đau răng là dấu hiệu cho thấy các vấn đề bất thường trong cơ thể. Chính vì vậy, bên cạnh việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, độc giả cần tích cực duy trì thói quen sống khoa học và thăm khám nha sĩ theo đúng định kỳ.