Nổi mẩn đỏ có thể là biểu hiện kích ứng da tại chỗ thông thường. Nhưng cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giúp bạn tìm hiểu những thông tin hữu ích xung quanh tình trạng nổi mẩn đỏ.
Da nổi mẩn đỏ là hiện tượng gì?
Da nổi mẩn đỏ là hiện tượng khá phổ biến ở nhiều người có cơ địa nhạy cảm. Người bệnh bị nổi mẩn đỏ trên da và ngứa hoặc không. Các biểu hiện có thể xảy ra ở một phần hoặc toàn thân. Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào vị trí nổi mẩn đỏ dưới da hay trên, ngứa hay không thì không thể khẳng định đây là bệnh lý hay kích ứng đơn thuần.
Thông thường da sẽ mẩn lên khi tiếp xúc với các dị nguyên gây kích ứng như:
- Lông mèo, chuột, chó, phấn hoa, mạt bụi.
- Bị con trùng đốt như ong, kiến, vắt, đỉa, muỗi, bọ cạp…
- Thấm hóa chất độc từ các loại xà phòng, nước lau nhà, dầu rửa bát cho đến mỹ phẩm…
Nổi mẩn đỏ ở mức độ nhẹ do dị nguyên có thể tự hết sau vài giờ. Nhưng nếu cơ thể phản ứng quá mức, hệ đề kháng sẽ nhầm lẫn, kích ứng mạnh. Điều này khiến tình trạng da trở nên nghiêm trọng.
Để đánh giá mức độ mẩn trên da nhẹ hay nặng, người bệnh có thể dựa vào một số tiêu chí tương đối sau:
- Mẩn đỏ nhẹ: Cám đám da đỏ xuất hiện lác đác và tự biến mất sau từ 3 đến 4 giờ.
- Tình trạng nặng: Vùng nổi mẩn không biến mất mà lan rộng. Người bệnh cảm thấy ngứa, muốn gãi, càng gãi da càng nổi mẩn nhiều. Bên cạnh biểu hiện nổi mẩn đỏ, trên da còn xuất hiện mụn, mủ… Một số trường hợp đặc biệt người có thể nổi mẩn trên da và ngứa hoặc không nhưng bị khó thở, tức ngực, suy kiệt thể trạng nhanh, thậm chí là ngất.
Dựa vào triệu chứng cụ thể của từng trường hợp mà xác định được đâu là tình trạng bệnh. Từ đó tìm hướng điều trị, tránh vì coi thường mà để sức khỏe da biến chuyển xấu. Một số biến chứng của hiện tượng này có thể đe dọa đến sức khỏe và tính mạng, bạn không nên chủ quan.
Triệu chứng nổi mẩn đỏ
Nổi mẩn đỏ là hiện tượng da bị sưng lên thành từng nốt nhỏ hoặc thành từng mảng lớn, có màu hồng hoặc đỏ khác biệt với vùng da xung quanh.
Ở mỗi người với cơ địa, nguyên nhân gây nổi mẩn đỏ khác nhau sẽ có triệu chứng khác nhau về kích thước, màu sắc, hình dạng, vị trí, có thể gây ngứa hoặc không…
Nguyên nhân gây nổi mẩn đỏ trên da
Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất có thể gây nổi mẩn đỏ trên da:
Kích ứng da tại chỗ
Đa số trường hợp, da bị kích ứng do tiếp xúc với dị nguyên như lông động vật, bụi bẩn, phấn hoa, mỹ phẩm, chất độc côn trùng đốt… sẽ gây ra tình trạng dị ứng, nổi mẩn đỏ. Tình trạng này thường biến mất sau vài giờ cách ly cơ thể khỏi nguồn gây kích ứng.
Sai lầm trong sinh hoạt hàng ngày
Nổi mẩn đỏ do da dầu: Da luôn tiết ra một lượng dầu nhất định để duy trì độ ẩm cần thiết. Dầu nhờn cùng bụi bẩn, tế bào chết nếu không được loại bỏ mỗi ngày, tích tụ trên da sẽ gây bít tắc lỗ chân lông, sinh ra hiện tượng nổi mẩn đỏ.
Nổi mẩn đỏ do da khô: Ngược lại, với một số người có da khô, lượng dầu tiết ra hàng ngày rất ít. Vào những ngày thời tiết hanh khô, nếu không được dưỡng ẩm đầy đủ, da sẽ bị khô nẻ, kích ứng, sinh ra hiện tượng nổi mẩn.
Nổi mẩn đỏ vùng kín: Với nữ giới, nếu không thay băng vệ sinh thường xuyên hoặc dùng băng vệ sinh không đảm bảo chất lượng sẽ gây hầm bí. Từ đó, khiến vùng kín bị nổi nốt, nổi mẩn.
Nổi mẩn đỏ ở đầu dương vật: Với nam giới có thói quen mặc đồ lót quá chật, dùng bao cao su không đảm bảo chất lượng, quan hệ tình dục không an toàn… cũng có thể là nguyên nhân gây nổi mẩn ở đầu dương vật, ở bao quy đầu.
Như vậy, việc đảm bảo cơ thể luôn được vệ sinh sạch sẽ, mặc đồ thoáng mát sẽ giúp giảm rất nhiều nguy cơ bị nổi mẩn đỏ.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo về một bệnh lý nguy hiểm trong cơ thể. Trong bài viết này, tapchidongy.org sẽ giới thiệu tới bạn những bệnh lý có thể gây nổi mẩn đỏ trên da:
Dị ứng nổi mề đay
Nổi mày đay là biểu hiện ngoài da xuất hiện khi hệ miễn dịch phản ứng quá mẫn với tác nhân kích thích. Lượng lớn các hoạt chất (trong đó tiêu biểu nhất là Histamin) được sinh ra, đi vào máu, gây giãn mao mạch ở trung bì. Từ đó sinh ra hiện tượng phát ban, nổi mẩn đỏ trên da.
Mề đay thường gây nổi mẩn đỏ, ngứa tại một vùng da lớn như cánh tay, lưng, ngực… hoặc cả người. Bề mặt mẩn sưng nhẹ, màu hồng, đỏ hoặc trắng, có đường biên rõ ràng với các vùng da xung quanh.
Các tác nhân gây nổi mề đay rất đa dạng như: Thời tiết, bụi bẩn, thức ăn, dược phẩm, hóa mỹ phẩm… Cũng có thể đến từ các yếu tố bên trong cơ thể như: Suy giảm hệ miễn dịch, thay đổi hormone, tâm lý căng thẳng…
Rôm sảy
Rôm sảy là nguyên nhân gây nổi mẩn, ngứa dễ gặp ở mọi đối tượng nhất là trẻ nhỏ. Nguyên nhân gây rôm sảy là do trời nóng, nhiệt độ cao, mồ hôi ra nhiều. Mồ hôi kết hợp với bụi bẩn, tế bào chết làm bít tắc lỗ chân lông khiến da bị viêm đỏ.
Viêm da tiết bã
Viêm da tiết bã là bệnh lý da liễu mãn tính, có thể gây nổi mẩn đỏ trên da. Bệnh đặc trưng bởi những nốt ban có màu đỏ hoặc hồng, có các vảy màu trắng rất dễ bong tróc. Người bệnh có thể nhận thấy lượng dầu nhờn trên da tăng lên đáng kể.
Bệnh thường gây ảnh hưởng đến các vùng da có hoạt động bài tiết bã nhờn mạnh như da quanh mũi, đầu, sau tai, cung mày… Đa phần, viêm da tiết bã thường tiến triển mãn tính, dai dẳng, tái phát thường xuyên.
Bệnh gần như không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng lại có ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ. Phương pháp điều trị hiện nay chỉ có thể làm giảm triệu chứng, hạn chế bệnh tái phát chứ không thể dứt điểm bệnh.
Viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa cũng là một bệnh da liễu mãn tính thường gặp ở trẻ em và kéo dài tới tận khi trưởng thành. Triệu chứng điển hình của bệnh là da khô, mẩn đỏ kèm theo ngứa. Phản ứng thông thường khi ngứa là gãi, gãi nhiều khiến lớp da trở nên dày sừng, khô hơn và ngứa hơn.
Hiện chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây viêm da cơ địa. Các nghiên cứu chỉ chỉ ra bệnh có yếu tố di truyền, gia đình và có tới 35% trẻ bị viêm da cơ địa có xuất hiện biểu hiện hen trong đời.
Viêm nang lông
Mồ hôi, dầu thừa, bụi bẩn, tế bào chết trên da có thể gây bít tắc lỗ chân lông. Đồng thời, đây cũng là môi trường tuyệt vời cho các loại vi khuẩn sinh sôi và phát triển, tấn công nang lông, gây viêm. Nang lông bị viêm sẽ sưng lên, tạo nên các mẩn đỏ trên da.
Nếu không được điều trị kịp thời, các nang lông có thể bị nhiễm trùng, hình thành mụn mủ, gây đau nhức và có thể để lại sẹo thâm sau khi hồi phục.
Vảy nến
Vảy nến là một bệnh da liễu mãn tính gây ra những tổn thương với nhiều thể khác nhau. Trong đó nốt mẩn đỏ không sưng hoặc ít sưng, bên trên có lớp da mỏng màu trắng, gây ngứa dữ dội.
Nguyên nhân gây ra vảy nến là do sự rối loạn trong chức năng của hệ miễn dịch: Tự tấn công những tế bào da khỏe mạnh, đẩy nhanh sự sản sinh tế bào da mới. Bệnh chưa có cách điều trị triệt để, chỉ có thể điều trị kiểm soát triệu chứng, giảm khó chịu cho bệnh nhân.
Sốt phát ban
Sốt phát ban do virus Herpes 6 hoặc 7 xâm nhập, gây tình trạng sốt cao trên 39 độ C, nổi mẩn đỏ sau khi sốt. Mẩn đỏ có thể sưng hoặc không sưng, gây ngứa nhẹ hoặc không ngứa tùy cơ địa từng người.
Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và có thể tự khỏi sau 3-7 ngày, không gây nguy hiểm nếu được nghỉ ngơi, hạ nhiệt cơ thể và kiểm soát tình trạng mất nước tốt.
Zona thần kinh
Zona thần kinh do virus Varicella zoster gây ra, đặc trưng với những nốt mẩn đỏ dạng bọng nước, mọc sát nhau thành chùm. Ban đầu, mụn nước hình thành rồi căng dần lên. Sau vài ngày, dịch chuyển màu đục dần rồi hóa mủ.
Vùng da tổn thương ban đầu có cảm giác ngứa dữ dội. Khi mụn nước vỡ sẽ gây đau, bỏng rát. Thậm chí, sau khi tổn thương da lành rồi, cảm giác đau, nóng rát vẫn còn có thể kéo dài rất lâu.
Bệnh lý về gan, thận
Gan, thận là các cơ quan có nhiệm vụ chuyển hóa, đào thải độc tố ra khỏi cơ thể. Khi gan hay thận gặp vấn đề như suy giảm chức năng, xơ gan, viêm thận, ung thư gan, suy thận… hoạt động đào thải độc tố bị ảnh hưởng. Độc tố tích tụ trong cơ thể có thể gây phát ban, nổi mẩn đỏ trên da.
Bệnh lý về tuyến giáp
Tuyến giáp là bộ phận quan trọng sản sinh hormone cho cơ thể. Khi hoạt động của tuyến giáp rối loạn (suy giáp hoặc cường giáp) sẽ gây ra hiện tượng mất cân bằng trong nồng độ hormone.
Mất cân bằng hormone có thể khiến cơ thể nổi mẩn đỏ, da trở nên khô ráp, ngứa ngáy, đau nhức…
Bị nhiễm HIV
Nổi mẩn đỏ HIV là tình trạng mà khoảng 40-90% bệnh nhân nhiễm virus HIV gặp phải trong 1-2 tháng đầu phơi nhiễm.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Đa số các trường hợp nổi mẩn đỏ đều không quá nguy hiểm, có thể tự thuyên giảm sau vài giờ. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn, bạn cần theo dõi sát diễn biến của bệnh. Ngay khi tình trạng nổi mẩn ngứa có triệu chứng bất thường như:
- Mẩn đỏ có dấu hiệu lan rộng.
- Mẩn đỏ có mủ
- Mẩn đỏ gây ngứa ngáy dữ dội hoặc gây đau rát, nhức nhối.
- Mẩn đỏ nhiều ngày không thuyên giảm.
- Có cảm giác khó thở, chóng mặt, đau đầu, tụt huyết áp thậm chí ngất xỉu.
- Mẩn đỏ kèm theo sốt nhẹ nhiều ngày hoặc sốt cao
- Tình trạng nổi mẩn ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống, sinh hoạt, học tập, làm việc của người bệnh.
Bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xác định chính xác nguyên nhân và đưa ra hướng điều trị mẩn đỏ thích hợp nhất.
Các cách chữa nổi mẩn đỏ hiệu quả
Sau khi xác định chính xác nguyên nhân gây nổi mẩn đỏ, bạn có thể lựa chọn phương án điều trị thích hợp với tình trạng nổi mẩn của mình. Dưới đây là các phương pháp điều trị mẩn đỏ hiệu quả, bạn có thể tham khảo:
Dùng mẹo dân gian trị nổi mẩn đỏ
Với các trường hợp nổi mẩn nhẹ, không có dấu hiệu bất thường, bạn có thể dùng các mẹo dân gian sau:
Chữa mẹo tại nhà
Những trường hợp bị mẩn đỏ rải rác, ít biểu hiện liên quan, người bệnh sau khi khám có thể tự điều trị ở nhà dựa theo nguyên nhân. Dân gian có một số cách làm giảm hoặc dứt hẳn tình trạng này như sau:
Dùng nước muối:
- Pha loãng muối hạt hoặc sử dụng nước muối sinh lý.
- Vệ sinh vùng da nổi mẩn hàng ngày mỗi sáng và tối với nước này thật sạch.
- Tráng lại với nước máy sinh hoạt và lau khô vùng da đỏ.
Dùng nha đam:
- Da đỏ do bị kích ứng, có thể kèm theo ngứa, bong vảy, khô da, bạn có thể dùng nha đam để cải thiện.
- Người mắc phải tình trạng này vệ sinh da thật sạch rồi đắp gel nha đam vào.
- Sau khoảng 15 phút thì rửa sạch lại và lau khô cho hết thịt nha đam.
Sử dụng yến mạch – mật ong trị da mẩn đỏ:
- Bạn cũng vệ sinh sạch sẽ vùng da trước giờ đi ngủ và lau khô.
- Sau đó trộn bột yến mạch với mật ong để được hỗn hợp hơi đặc và bôi lên.
- Khoảng 15 phút sau thì rửa trôi hết các dược liệu và lau lại.
Đắp sữa chua:
- Sữa chua sẽ giúp giảm các kích ứng gây viêm, ngứa, mẩn đỏ, bong tróc trên da nếu bạn:
- Rửa sạch vùng da bệnh trước mỗi tối đi ngủ và lau khô.
- Sau đó phết một lớp sữa chua lên vùng da bệnh rồi massage nhẹ nhàng.
- 15 phút sau, bạn rửa trôi hết lớp sữa chua đó rồi lau lại và đi ngủ.
Dùng lá khế:
- Lá khế được dùng để trị nổi mẩn đỏ trên da viêm do nhiễm khuẩn, dị nguyên… Người bệnh lấy một nắm lá khế ngâm với nước muối rồi đun sôi.
- Sau đó pha với nước máy để ngâm rửa hoặc tắm, tùy vào vùng da nổi đỏ.
Chữa bằng tía tô:
- Với lá tía tô, bạn cũng đun nước uống để giải trừ ngứa đỏ da do chức năng gan, thận yếu hoặc một số tình trạng khác.
- Trước khi đun, bạn cần rửa sạch lá và xay nhuyễn.
Dùng rau má:
- Rau má có thể thanh lọc cơ thể, hỗ trợ cải thiện tình trạng mẩn đỏ do thời tiết, hoặc viêm ngứa…
- Bạn có thể rửa sạch rau má ngâm nước muối loãng rồi xay nước uống hoặc chế biến món ăn đều được.
Ngoài ra còn rất nhiều loại dược liệu vườn nhà có tác dụng làm giảm triệu chứng nổi mẩn đỏ trên da khác. Tuy nhiên, tùy vào từng trường hợp và cơ địa mỗi người mà lựa chọn. Trước khi dùng thảo dược theo bất cứ cách nào, nên ngâm nước muối loại bỏ tạp chất, vi khuẩn.
Lưu ý: Cần chọn nguồn nguyên liệu sạch, tươi, rửa sạch nguyên liệu, ngâm qua nước muối loãng trước khi dùng để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn bám trên lá.
Dùng thuốc Tây trị nổi mẩn đỏ
Các loại thuốc Tây giúp kiểm soát tình trạng nổi mẩn ngứa nhanh chóng. Các loại thuốc giúp điều trị triệu chứng thường được bác sĩ kê cho bệnh nhân gồm:
Thuốc kháng Histamin, thuốc chẹn H1 giúp ngăn chặn quá trình Histamin tác động lên thụ thể H1 gây ra triệu chứng ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ. Một số biệt dược thường được dùng là: Clorpheniramin, Loratadin, Cetirizin…
Thuốc chứa Corticoid: Thuốc có tác dụng giảm ngứa, chống viêm tại chỗ, thường được dùng dưới dạng bôi. Thuốc có thể được kê dạng uống trong một số trường hợp nổi mẩn đỏ nghiêm trọng nhưng không dung nạp các loại thuốc kháng Histamin, thuốc chẹn H1.
Tuy nhiên, tác dụng phụ của thuốc chứa Corticoid rất lớn, bệnh nhân không được tự ý dùng thuốc, phải tuân thủ theo đúng hướng dẫn từ bác sĩ.
Kem dưỡng ẩm giúp tạo lớp màng bảo vệ da, thúc đẩy vùng da tổn thương nhanh phục hồi.
Một số loại thuốc khác được kê cho bệnh nhân để điều trị căn nguyên gây nổi mẩn đỏ như: Thuốc kháng nấm, thuốc kháng virus, thuốc điều trị gan, thận…
Dùng thuốc Đông y
Một phương pháp điều trị nổi mẩn đỏ được nhiều người lựa chọn hiện nay là dùng thuốc Đông y.
Các mẹo điều trị nổi mẩn đỏ tại nhà thường chỉ có công dụng giảm triệu chứng, thúc đẩy tổn thương nhanh lành. Dùng thuốc Tây tuy tác dụng kiểm soát triệu chứng nhanh nhưng cũng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ.
Trong khi các bài thuốc Đông y tuy chậm nhưng có tác dụng lâu dài, vừa điều trị triệu chứng mẩn đỏ. Vừa giúp thanh lọc cơ thể, cải thiện các chức năng gan, thận, tăng sức đề kháng, ngăn ngừa tái phát.
Thành phần trong các bài thuốc Đông y đều là các loại dược liệu thiên nhiên, an toàn với mọi đối tượng, bao gồm cả trẻ em, phụ nữ có thai và cho con bú, người già, người có mắc bệnh lý nền…
Một số vị thuốc thường được dùng trong điều trị nổi mẩn đỏ bằng Đông y như: Huyền sâm, đương quy, độc hoạt, cát cánh, phòng phong, bạch thược, tang ký sinh, kim ngân hoa…
Bài thuốc 1:
- Dùng 12g thương truật kết hợp với hoa kim ngân và lượng tương ứng cây diếp dại (bồ công anh).
- Lại thêm 12g sinh địa cùng với lượng tương ứng rau má, thổ phục linh.
- 10g bạch tô, và lượng tương ứng đương quy, khổ sâm.
- Sử dụng tiếp 8g phòng phong cùng ngưu bàng tử, tri mẫu với liều lượng tương tự.
- Cuối cùng là thuyền thoái, bạn sử dụng 6g.
- Cho tất cả dược liệu vào đun với nước thật kỹ rồi chia uống 3 lần/ngày để giảm mẩn đỏ cùng các chứng bệnh liên quan.
Bài thuốc 2:
- Bạn dùng hoàng liên 8g kết hợp cùng lượng tương tự trúc diệp.
- Lại thêm 10g đan sâm, cùng với 12g các loại mạch đông, sài đất và dây rau má…
- Bạn cũng đem sắc nước thật kỹ rồi chia 3 phần uống hết trong ngày để giảm viêm, mẩn đỏ, ngứa.
- Các bài thuốc Đông y trị mẩn đỏ tuy lành tính, ít gây hại nhưng để đem lại tác dụng tốt, bạn nên áp dụng theo đúng nguyên nhân gây bệnh.
Người bệnh nên đến nhà thuốc Đông y uy tín để được các lương y thăm khám, bốc thuốc phù hợp với cơ địa và tình trạng bệnh. Hiện nay, có 2 đơn vị nổi tiếng với các bài thuốc trị nổi mẩn đỏ được nhiều người tin dùng là: Nhà thuốc Nam gia truyền Đỗ Minh Đường và Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc dân tộc. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin để lựa chọn.
Bị nổi mẩn đỏ nên ăn gì, kiêng gì nhanh khỏi?
Điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ thuyên giảm mẩn ngứa. Dưới đây là những điểm lưu ý dành cho người bệnh:
Bổ sung thêm các loại thực phẩm nhóm rau – củ – quả
Các loại rau, củ, quả chứa nhiều vitamin, acid amin, khoáng chất, chất xơ giúp tăng sức đề kháng, thúc đẩy thanh lọc cơ thể. Nhiều loại thực phẩm nhóm này còn chứa các chất chống oxy hóa, chất kháng viêm giúp vùng da bị tổn thương tránh biến chứng, nhanh phục hồi hơn.
Uống nhiều nước, uống trà xanh, trà hoa cúc
Nước là nguyên tố quan trọng, đảm bảo mọi hoạt động sống và trao đổi chất trong cơ thể diễn ra trơn tru, thuận lợi. Trà xanh, trà hoa cúc không chỉ giúp bổ sung nước, mà còn giúp thanh lọc cơ thể, đào thải độc tố, an thần.
Dùng các loại thực phẩm chức năng giúp thanh lọc cơ thể
Các loại thực phẩm chức năng chiết suất từ thiên nhiên sẽ giúp bảo vệ các cơ quan nội tạng, thúc đẩy hoạt động đào thải độc tố trong cơ thể. Nhờ vậy, tình trạng mẩn đỏ do độc tố tích tụ có thể thuyên giảm.
Tránh xa các tác nhân gây kích ứng
Hãy tránh xa các yếu tố nguy cơ có thể gây kích ứng như: Bụi bẩn, lông động vật, côn trùng có độc, thực vật có mủ, chất tẩy rửa… Tình trạng nổi mẩn đỏ có thể xuất hiện do rất nhiều nguyên nhân khác nhau.
Thời gian tiếp xúc càng lâu, cường độ tiếp xúc càng lớn, tình trạng nổi mẩn đỏ càng nghiêm trọng. Cách ly bản thân với các yếu tố nguy cơ giúp đảm bảo tình trạng nổi mẩn đỏ nhanh thuyên giảm hơn.
Không ăn các thức ăn cay nóng, chứa nhiều dầu mỡ, thực phẩm giàu đạm
Các loại thực phẩm trên sẽ là gánh nặng cho hệ tiêu hóa, cản trở, làm chậm quá trình trao đổi chất, đào thải độc tố trong cơ thể. Từ đó, khiến tình trạng nổi mẩn đỏ lâu khỏi hơn.
Với người có cơ địa nhạy cảm, các loại thực phẩm giàu đạm như thịt đỏ, hải sản có thể là nguyên nhân trực tiếp gây nên tình trạng dị ứng, nổi mẩn đỏ.
Cách phòng tránh nổi mẩn đỏ
Để phòng tránh nổi mẩn đỏ khởi phát hoặc tái phát, bạn nên lưu ý những điểm sau:
- Mặc quần áo thoáng mát, chất liệu thấm hút mồ hôi giúp giảm nguy cơ bít tắc lỗ chân lông.
- Tắm rửa, vệ sinh cơ thể thường xuyên
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với các chất dễ gây kích ứng như: Hóa chất, chất tẩy rửa, bụi bẩn, phấn hoa, lông chó mèo…
- Đeo găng tay khi lau dọn vệ sinh
- Giữ môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, tránh tạo nơi ẩn náu, sinh sôi cho các loài côn trùng.
- Mắc màn khi ngủ, tránh nguy cơ bị muỗi đốt và nguy cơ lây nhiễm các loại virus gây bệnh.
- Che chắn cơ thể cẩn thận khi đi ra trời nắng gắt.
- Giữ ấm cho cơ thể khi trời chuyển lạnh: Đeo găng tay, tất chân, quàng khăn ,mặc quần áo dài tay…
- Hạn chế uống bia, rượu, nước ngọt và các chất kích thích khác
- Tẩy trang hàng ngày
- Thay băng vệ sinh mỗi 4-6 tiếng.
- Dùng các sản phẩm băng vệ sinh, bao cao su chất lượng.
Như vậy, nổi mẩn đỏ có thể chỉ là phản ứng dị ứng nhẹ của cơ thể nhưng cũng có khả năng là biểu hiện ngoài da cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm. Hãy theo dõi sát diễn biến của triệu chứng để đi khám kịp thời và lựa chọn phương án điều trị phù hợp.