Răng hàm được cho là những chiếc răng quan trọng nhất trong cung hàm của người trưởng thành. Nhóm răng này đóng vai trò quyết định tới cấu trúc của hàm răng, giúp nghiền nhỏ thức ăn trước khi đưa xuống dạ dày. Trong bài viết này chúng tôi sẽ đưa ra các thông tin cụ thể, chi tiết nhất về những chiếc răng này.
Răng hàm là răng số mấy?
Răng hàm còn được biết đến với tên gọi khác là răng cối. Chúng mọc ở vị trí trong cùng của hàm, đóng vai trò là bộ nhai, giúp ổn định cấu trúc và bảo vệ xương hàm.
Cụ thể, chúng nằm bên trong 2 chiếc răng cửa (còn gọi là răng số 1 và răng số 2) và 1 chiếc răng nanh (răng số 3). Mỗi phần tư hàm gồm 2 răng hàm nhỏ (ở vị trí số 4,5) và 3 chiếc răng hàm lớn (vị trí số 6,7,8).
Cấu trúc của răng hàm
Mỗi bên hàm của người trưởng thành sẽ có 5 chiếc răng hàm nằm ở vị trí 4,5,6,7,8. Mỗi vị trí đối xứng nhau ở hàm trên và hàm dưới sẽ có hai chiếc răng hàm. Tổng bạn sẽ có tất cả 20 chiếc răng hàm. Cấu trúc của mỗi chiếc được phân chia dựa trên hai yếu tố là bộ phận và thành phần của răng, cụ thể:
Cấu tạo răng hàm theo bộ phận
Cấu trúc của răng hàm theo bộ phận được chia thành 3 phần chính là chân răng, cổ chân răng và thân răng gồm:
Chân răng
Là phần được nối liền trực tiếp vào xương ổ răng của xương hàm. Chân răng nằm trọn trong xương ổ răng và được bao phủ bằng lợi. Vì thế, bộ phận này không thể quan sát bằng mắt thường. Nha chu cùng với các dây chằng phía bên dưới đóng vai trò giữ cho chân răng đứng vững khi bạn nhai thức ăn. Số lượng chân răng sẽ tùy thuộc vào từng loại răng hàm.
Răng hàm thường có từ 2 đến 3 răng, trong đó:
- Hai chân: Răng hàm nhỏ đầu tiên (số 4) tại hàm trên có hai chân, gồm một chân ngoài và một chân trong. Răng hàm lớn 1 (số 6) và răng hàm lớn 2 (số 7) tại hàm dưới có một chân xa, một chân gần.
- Ba chân: Răng hàm lớn đầu tiên và thứ hai (số 6,7) của hàm trên có hai chân ngoài và một chân trong.
Thân răng
Thân răng nằm ngay phía trên lợi, là phần tiếp xúc trực tiếp với đồ ăn, nước uống hàng ngày. Do đó, đây cũng là bộ phận dễ bị gặp các vấn đề răng miệng như răng xỉn màu, cao răng. Thân răng bao gồm 5 mặt. Cụ thể là mặt nhai, mặt ngoài, mặt trong và hai mặt bên. Răng hàm có mặt nhai lớn hơn so với các răng khác trong cung hàm. Các mặt răng hàm đối diện nhau sẽ làm nhiệm vụ nhai, nghiền thức ăn.
Cổ chân răng
Trong cấu tạo của răng, cổ chân răng là phần thân răng có vị trí gần lợi. Nói cách khác, đây là phần tiếp giáp giữa chân răng và phần thân. Thông thường, chúng ta ít khi phân biệt bộ phận này, cổ chân răng chỉ xuất hiện khi xảy ra tình trạng mòn cổ chân răng. Các nguyên nhân gây ra mòn cổ chân răng thường là do sâu răng, chải răng không đúng cách, men răng bị tổn thương. Cổ chân răng đóng vai trò tạo sự cân đối và tính thẩm mỹ cho khuôn miệng.
Tìm hiểu:
Cấu tạo theo thành phần của răng
Cũng giống như những chiếc răng khác, thành phần của răng hàm gồm men răng, ngà răng và tủy răng.
- Men răng: Đây được coi là lớp vỏ cứng nhất, men răng bao bọc quanh thân răng. Chúng được cấu tạo bởi 96% chất vô cơ, trong đó chủ yếu là Hydroxy apatit. Men răng chứa nhiều khoáng chất hơn cả so với các bộ phận khác trong cơ thể. Men răng không chứa các dây thần kinh nên gần như không có cảm giác.
- Ngà răng: Ngay bên trong men răng là phần ngà răng. Thường có màu vàng nhạt, bên trong chứa buồng tủy và ống tủy răng. Ngà răng có thành phần gồm 70% chất vô cơ, 30% còn lại là chất hữu cơ và nước. Do đó, ngà răng có độ cứng thấp hơn men răng.
- Tủy răng: Đóng vai trò duy trì nguồn sống chủ yếu của răng. Trong tủy răng chứa mạch máu, các dây thần kinh, bạch mạch,… giúp cho răng cảm nhận được các tác động từ bên ngoài. Tủy nằm ở vị trí trung tâm của răng và được bao bọc, bảo vệ bởi ngà răng và men răng. Tủy phân bố ở cả phần thân và chân của răng hàm. Phần tủy nằm ở thân răng được gọi là buồng tủy, ở chân răng gọi là ống tủy.
Các chức năng của răng hàm
Như trên đã trình bày, răng hàm được chia thành răng hàm nhỏ và răng hàm lớn. Răng hàm nhỏ có mặt cắn phẳng, mũ răng có hình lập phương được chia thành 2 đỉnh đều nhau và nhọn dùng để xé và làm dập thức ăn. Răng hàm lớn có bề mặt răng phẳng, diện tích rộng và to. Đây cũng là những chiếc răng lớn nhất trong cung hàm. Mặt răng hàm lớn có cấu trúc phức tạp hơn răng hàm nhỏ, đảm nhiệm chức năng chính là nhai và nghiền nát thức ăn trước khi đưa xuống dạ dày.
Tuy có sự khác biệt về cấu trúc và nhiệm vụ chính nhưng răng hàm nói chung đều có các chức năng chính sau:
- Ổn định cấu trúc khuôn mặt: Hàm răng đẹp và cân đối sẽ giúp khuôn mặt cân đối, khuôn miệng đẹp. Nếu thiếu đi răng hàm, khuôn mặt sẽ thiếu hài hòa, gây tâm lý e ngại khi giao tiếp.
- Làm nhiệm vụ xé, nhai, nghiền thức ăn: Nếu như răng cửa, ranh nanh chỉ làm nhiệm vụ cắn, xé thức ăn thì răng hàm đồng thời đảm nhiệm tất cả những nhiệm vụ này. Quan trọng hơn, răng hàm giúp nghiền nhỏ thức ăn, trước khi vào bên trong cơ thể và đưa đến các cơ quan tiêu hóa khác như dạ dày, ruột non, ruột già,…
- Giúp phát âm rõ ràng hơn: Nếu không có đủ răng, bạn sẽ khó phát âm chuẩn và rõ ràng được. Thiếu răng sẽ tạo ra khoảng trống, phát âm không dứt hơi tạo ra tiếng khó nghe. Vì vậy, hàm răng với đầy đủ các răng, có cấu trúc ổn định sẽ giúp bạn nói rõ tiếng hơn.
Các vấn đề thường gặp ở răng hàm và cách xử lý hiệu quả
Do có cấu tạo đặc biệt và vị trí nằm ở góc trong hàm nên việc tiếp cận để vệ sinh răng miệng gặp nhiều khó khăn. Vì thế, thường gặp nhiều bệnh lý nha khoa rất điển hình như:
Răng bị xỉn màu, đổi màu
Răng bị xỉn màu, đổi màu là hiện tượng màu sắc của răng bị biến đổi khác với sắc trắng bình thường. Các nguyên nhân thông thường dẫn đến tình trạng răng xỉn màu gồm:
- Do yếu tố nội sinh: Ở một số người dùng thuốc lâu ngày hoặc mắc chứng bilirubin máu cao bẩm sinh (răng sữa có màu xanh). Ngoài ra, răng bị xỉn, ố còn do nhiễm màu porphyrin – răng màu nâu đỏ.
- Do yếu tố bên ngoài: Các yếu tố bên ngoài tác động đến răng miệng như thức ăn, đồ uống có phẩm màu dẫn đến hình thành các mảng bám. Bên cạnh đó, răng xỉn màu còn do ảnh hưởng của các vết trám răng, răng bị nhiễm fluor, mòn răng, bị đổi màu sau điều trị tủy, chấn thương gây chết tủy răng,…
Cách khắc phục tình trạng răng xỉn màu đơn giản như sau:
- Hạn chế lạm dụng thuốc có nguy cơ gây xỉn màu răng.
- Loại bỏ các mảng bám trên bề mặt răng hàm.
- Sử dụng phương pháp tẩy trắng răng tại nhà hoặc đến trung tâm nha khoa.
- Những trường hợp bị ố màu nặng bạn có thể dán răng sứ veneers.
Răng hàm bị sâu
Sâu răng là một dạng tổn thương do mất tổ chức của lớp men răng và ngà răng. Nguyên nhân dẫn đến sâu răng là do thức ăn còn sót lại, bám vào răng khiến vi khuẩn sinh sôi, gây ra ăn mòn, sâu răng.
Hiện tượng sâu răng rất dễ nhận biết, bạn có thể dễ dàng phát hiện các lỗ hổng trên răng, thường có màu đen. Sâu răng mức độ nhẹ sẽ không gây đau nhức. Tuy nhiên, nếu không được xử lý kịp thời, sâu răng sẽ trở nặng gây ê buốt. Trường hợp sâu răng tấn công vào tủy răng sẽ gây đau nhức dữ dội, thậm chí phải nhổ bỏ răng.
Vì vậy, khi xuất hiện sâu răng, bạn cần nhanh chóng đi khám nha khoa để được xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, mỗi chúng ta nên chủ động vệ sinh răng miệng sạch sẽ để ngăn ngừa nguy cơ sâu răng.
Viêm sưng vùng nướu, viêm nha chu
Do đảm nhiệm vai trò chính trong việc nhai, nghiền thức ăn nên răng hàm có nguy cơ tích tụ thức ăn rất cao. Thức ăn thừa phản ứng với các vi khuẩn có trong miệng làm hình thành các mảng bám (còn gọi là cao răng, vôi răng). Những mảng bám này chính là ổ chứa vi khuẩn và nguyên nhân khiến nướu, lợi bị kích ứng, sưng, phù nề, mẩn đỏ, chảy máu. Viêm nướu là nguyên nhân khiến hơi thở có mùi hồi, lợi bị co lại và thay đổi màu sắc.
Tình trạng viêm nhiễm kéo dài sẽ dẫn đến xuất hiện những túi lợi sâu, tích tụ vi khuẩn, mảng bám. Nặng hơn còn có thể gây tiêu xương quanh răng, co tụt nướu, răng lung lay, thậm chí mất răng.
Nguyên nhân gây viêm nướu, viêm nha chu chủ yếu là do việc vệ sinh răng miệng không hiệu quả. Ngoài ra, bệnh cũng có thể do các nguyên nhân về nội tiết tố ở phụ nữ mang thai, người có hệ miễn dịch kém, người bị khô miệng.
Cách xử lý hiệu quả nhất là vệ sinh răng miệng thường xuyên, bổ sung đầy đủ dưỡng chất thiết yếu, đặc biệt là vitamin C để tăng sức đề kháng. Mặt khác, bạn cũng nên có thói quen lấy cao răng định kỳ để ngăn ngừa viêm nha chu, viêm lợi hiệu quả.
Viêm tủy răng
Viêm tủy răng là bệnh lý răng miệng nặng và có nhiều dạng. Nguyên nhân chủ yếu do sâu răng tích tụ lâu ngày, ăn sâu vào tủy răng. Viêm tủy răng gây ra các cơn đau theo mức độ khác nhau như đau thoáng qua, đau âm ỉ. Bệnh chỉ biểu hiện ra rõ nhất khi vùng chân răng bị sưng tấy, viêm cấp.
Viêm tủy răng không thể tự xử lý tại nhà. Người bệnh cần đến phòng khám chuyên khoa để làm sạch ống tủy và hàn kín lại để không bị vi khuẩn xâm nhập. Hầu hết các trường hợp cần phải xử lý làm sạch ống tủy nhiều lần mới có thể hàn răng.
Răng mọc lệch, mọc ngầm
Hiện tượng răng mọc lệch chủ yếu gặp ở răng hàm số 8. Đây còn được gọi là răng khôn, chiếc răng gây nhiều ám ảnh ở người trưởng thành. Do là răng mọc sau cùng, nên răng số 8 thường không có đủ chỗ trên cung hàm dẫn đến tình trạng mọc lệch, mọc ngầm. Từ đó, gây đau nhức khó chịu cho người bệnh.
Khi răng số 8 bị mọc lệch, mọc ngầm bạn cần đến khám chuyên khoa để xử lý bằng phương pháp nha khoa chuyên nghiệp.
Đau nhức vùng quai hàm
Đau quai hàm là các cơn đau xuất hiện ở vùng hàm, mặt, mang tai hoặc cổ. Những cơn đau nhức này gây trở ngại khi nhai, nói, há miệng. Một số trường hợp bạn có thể nghe thấy tiếng lục cục khi há hoặc ngậm miệng.
Hiện tượng đau nhức thường xuất hiện do các tác nhân như tật nghiến răng, chấn thương do va chạm, thoái hóa thứ phát khớp xương hàm, sai lệch khớp cắn… Ngoài ra, những người căng thẳng thường xuyên cũng có thể bị đau nhức quai hàm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng nhai của răng hàm.
Để giảm đau nhức, người bệnh cần được chữa trị theo đúng nguyên nhân. Theo đó, bạn cần đến khám tại các cơ sở nha khoa để được tư vấn biện pháp phù hợp. Hướng xử lý được sử dụng phổ biến thường gồm phối hợp các liệu pháp tâm lý, thuốc giãn cơ, giảm đau, phẫu thuật hoặc chỉnh răng.
Những lưu ý giúp chăm sóc răng miệng hiệu quả
Răng hàm đóng vai trò rất quan trọng trong khuôn miệng của chúng ta. Chính vì vậy, việc bảo vệ là rất cần thiết. Dưới đây là một số cách chăm sóc răng miệng được các chuyên gia khuyến khích thực hiện.
- Vệ sinh răng miệng bằng cách chải răng hàng ngày, kết hợp dùng chỉ nha khoa để loại bỏ hoàn toàn thức ăn còn bám lại trên bề mặt răng.
- Khi phát hiện các bệnh lý về răng miệng như sâu răng, viêm nướu cần xử lý triệt để tránh làm lây lan sang các răng khác, hoặc gây tổn thương đến tủy răng.
- Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ chất, giàu canxi và vitamin giúp răng chắc khỏe, phòng tránh các bệnh lý răng miệng.
- Hạn chế ăn các thức ăn nhiều đường, tinh bột hoặc nhiều acid vì có thể gây tổn hại đến men răng.
- Nên từ bỏ tật nghiến răng vì thói quen này có thể gây ê buốt khó chịu, ảnh hưởng đến nhai nuốt thức ăn.
- Không nên ăn đồ ăn quá cứng, thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh để bảo vệ men răng.
- Khám nha khoa và lấy cao răng định kỳ mỗi 3-6 tháng để ngăn ngừa nguy cơ xảy ra các bệnh lý răng miệng khác.
Bài viết trên đây đã chia sẻ đến bạn đọc những thông tin chi tiết nhất về răng hàm cũng như cách chăm sóc hiệu quả. Chúc bạn luôn có một hàm răng khỏe đẹp như ý.
Click ngay:Cập nhật 3:33 AM , 01/08/2023