Viêm dạ dày ruột cấp là một căn bệnh gây ra những cơn đau dữ dội, kèm theo đó là những triệu chứng như tiêu chảy, buồn nôn, nôn ói, chướng bụng, đầy hơi,… Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ bệnh viêm dạ dày ruột cấp là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và những phương pháp điều trị bệnh tốt nhất. Hãy cùng tham khảo!
Viêm dạ dày ruột cấp là gì?
Viêm dạ dày ruột cấp là hiện tượng nhiễm trùng đường tiêu hóa. Bệnh có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, nhưng hầu hết đều do vi khuẩn, virus và ký sinh trùng. Người bị viêm dạ dày ruột cấp do nhiễm ký sinh trùng có thể dễ dàng lây truyền cho người khác thông qua nước bọt và phân.
Căn bệnh này có kèm theo những tổn thương ở vùng niêm mạc ruột, khiến người bệnh bị chảy máu hoặc đại tiện ra máu. Viêm dạ dày ruột cấp là một căn bệnh phổ biến có thể xảy ra với bất cứ ai. Tuy nhiên những đối tượng như trẻ em, người già, người bị suy giảm miễn dịch,… bệnh viêm dạ dày ruột cấp sẽ trở nên nguy hiểm và khó điều trị hơn. Vì vậy ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường của sức khỏe, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được kiểm tra.
Viêm dạ dày ruột cấp tính triệu chứng là gì?
Những người bị viêm niêm mạc dạ dày cấp thường có những dấu hiệu rất dễ nhầm lẫn với những căn bệnh rối loạn tiêu hóa khác. Điều này sẽ khiến cho quá trình điều trị bệnh trở nên khó khăn. Thông thường bệnh nhân sẽ phát tác triệu chứng sau khoảng 1-3 ngày tiếp xúc với nguồn bệnh. Tùy vào khả năng miễn dịch của từng người mà triệu chứng sẽ có dấu hiệu nặng nhẹ khác nhau, cụ thể:
- Người bệnh bị mất nước, luôn trong trạng thái khát nước, khô cổ, môi nứt nẻ, miệng khô, da khô.
- Nước tiểu đặc, có màu đậm, tiểu ít hoặc không tiểu trong suốt 8 tiếng đồng hồ.
- Người bệnh bị tiêu chảy cấp tính hoặc tiêu chảy liên tục trong 3 ngày. Điều này là do vi khuẩn xâm nhập vào niêm mạc ruột, làm giảm khả năng hấp thu và kích hoạt adenylate cyclase khiến cơ thể tăng tiết nước và chất điện giải.
- Phân có mùi hôi khác thường, trong phân chứa hồng cầu, bạch cầu hoặc kèm theo chất nhầy.
- Người bệnh có triệu chứng chán ăn, buồn nôn và nôn ói liên tục.
- Xuất hiện cảm giác đau bụng quằn quại, chướng bụng, co cứng bụng, giống cảm giác ăn không tiêu.
- Mắt trũng, má hóp, cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng.
- Sốt cao trên 40 độ, đau đầu, chóng mặt, buồn ngủ thất thường, trong trạng thái không tỉnh táo.
- Đối với trẻ sơ nhỏ sẽ có thêm các dấu hiệu như: Nhõng nhẽo, cáu kỉnh, uể oải, tã không ướt trong vòng 6 giờ,…
Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới bệnh viêm dạ dày ruột cấp. Tuy nhiên nguyên nhân chủ yếu vẫn là do virus, vi khuẩn và ký sinh trùng gây ra. Cụ thể như:
Nhiễm virus: Sau khi virus xâm nhập vào cơ thể sẽ bắt đầu gây viêm nhiễm tại các tế bào và biểu mô của ruột non. Điều này gây ra hiện tượng rối loạn tiêu hóa và tiêu chảy ở người bệnh. Có 4 loại virus gây bệnh phổ biến đó là:
- Norovirus: Có khả năng xâm nhập và lây nhiễm cho mọi đối tượng, chúng gây viêm dạ dày ruột cấp tính thành dịch và không thành dịch.
- Rotavirus: Loại virus này chủ yếu xâm nhập vào cơ thể trẻ em từ 3-15 tháng tuổi. Sau 1-3 ngày xâm nhập vào cơ thể chúng sẽ bắt đầu hình thành triệu chứng.
- Astrovirus: Khi virus này xâm nhập vào cơ thể, thời gian ủ bệnh là từ 3-4 ngày. Đâu là loại virus nguy hiểm, đặc biệt là với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
- Adenovirus: Loại virus này chủ yếu xâm nhập vào cơ thể trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, thời gian ủ bệnh của chúng có thể lên đến 10 ngày.
Nhiễm vi khuẩn: Ngoài virus, người bệnh cũng có thể bị viêm dạ dày ruột cấp do vi khuẩn gây nên. Một số loại vi khuẩn gây bệnh có thể kể đến như:
- Enterotoxin: Người bệnh bị nhiễm vi khuẩn này sẽ gặp phải tình trạng tiêu chảy liên tục.
- Exotoxin: Độc tố Exotoxin từ vi khuẩn khiến người bệnh bị tiêu chảy, buồn nôn và nôn mửa.
- Các loại vi khuẩn khác: Bao gồm Shigella, Campylobacter, Salmonella, Escherichia coli, Clostridium difficile,… Khi xâm nhập vào niêm mạc ruột chúng sẽ gây viêm loét và tiêu chảy kèm theo nhầy máu.
Nhiễm ký sinh trùng: Một số loại ký sinh trùng như Cryptosporidium parvum, Giardia intestinalis, Giardia lamblia, Entamoeba histolytica, Cyclospora cayetanensis,… sau khi vào cơ thể sẽ bám dính vào niêm mạc ruột và gây bệnh.
Bên cạnh những nguyên nhân gây bệnh kể trên, có rất nhiều yếu tố khiến bạn dễ bị nhiễm bệnh viêm dạ dày ruột cấp hơn những người khác, bao gồm:
- Khu vực sinh sống có nguồn nước kém vệ sinh.
- Người vệ sinh kém, không rửa tay sau khi đi vệ sinh và rửa tay trước khi ăn.
- Người có hệ miễn dịch kém, sức khỏe yếu hoặc bị mắc các bệnh như HIV/AIDS.
- Người cao tuổi, trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh cũng dễ gặp phải căn bệnh này hơn những người bình thường.
- Những người bị dị ứng thực phẩm, dị ứng với thuốc kháng sinh,…
- Người sống cùng với những người bị viêm dạ dày ruột cấp.
- Người bệnh có bị bỏng, nhiễm chất phóng xạ, bị xơ gan hoặc viêm phổi cấp.
- Sử dụng các loại thức ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Viêm dạ dày cấp tính có gây nguy hiểm không?
Biến chứng của bệnh viêm dạ dày ruột cấp thường gặp nhiều hơn ở những người mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, ung thư hoặc suy giảm hệ miễn dịch. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh viêm dạ dày ruột cấp có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như:
Mất dịch và điện giải
Đây là biến chứng thường gặp nhất, xảy ra khi nước và điện giải bị mất do người bệnh tiêu chảy hoặc nôn mửa quá nhiều, sau đó không được bù lại qua đường ăn uống. Nếu bạn uống nhiều nước và nạp đủ chất thì tình trạng này sẽ ít xảy ra hoặc nếu có xảy ra cũng rất nhẹ. Trường hợp bị mất nước nghiêm trọng sẽ khiến người bệnh bị hạ đường huyết, giảm cung cấp máu tới các cơ quan trong cơ thể. Người bệnh có thể gặp phải tình trạng choáng váng, ngất xỉu, suy thận. Khi đó người bệnh cần được nhập viện để truyền dịch tĩnh mạch.
Sự lan truyền bệnh
Bệnh viêm dạ dày ruột cấp có thể lan truyền tới một số cơ quan khác như xương, khớp, màng não, tủy xương. Tuy nhiên điều này thường khá hiếm gặp và thường chỉ xảy ra nếu tác nhân gây bệnh là Salmonella spp.
Bất dung nạp với lactose
Biến chứng bất dung nạp lactose thứ phát có thể xảy ra say khi người bệnh bị viêm dạ dày ruột. Khi đó thành ruột của người bệnh bị tổn thương dẫn đến việc thiếu men lactase (có nhiệm vụ tiêu hóa đường lactose có trong sữa). Người bệnh sẽ cảm thấy đau bụng, đầy bụng, đại tiện ra nước và có bọt khí sau khi uống sữa. Tuy nhiên tình trạng này sẽ được thuyên giảm khi tình trạng nhiễm trùng được ruột được cải thiện.
Hội chứng tán huyết ure máu
Đây là một biến chứng hiếm gặp và thường xảy ra khi người bệnh bị viêm dạ dày ruột cấp do vi khuẩn E.coli gây ra. Biến chứng này tương đối nguy hiểm vì nó bao gồm cả hiện tượng thiếu máu, giảm tiểu cầu và suy thận. Trẻ em là những đối tượng thường gặp phải biến chứng này. Do đó người lớn nên nhận biết sớm để điều trị kịp thời.
Biến chứng nguy hiểm khác
Một số cơ quan trong cơ thể có thể phản ứng lại với hiện tượng nhiễm trùng đường tiêu hóa khi tác nhân gây bệnh là vi khuẩn hoặc ký sinh trùng. Một số triệu chứng có thể gặp phải như: Đau khớp, viêm khớp, viêm da, viêm kết mạc. Trường hợp người bệnh bị viêm dạ dày cấp do virus sẽ ít gặp phải những biến chứng này hơn.
Giảm tác dụng của một số thuốc
Khi bị viêm dạ dày ruột, một số loại thuốc mà bạn đang dùng như: Thuốc điều trị động kinh, thuốc trị tiểu đường, thuốc tránh thai,… sẽ không đạt được tác dụng như trước. Điều này là do tình trạng tiêu chảy hoặc nôn mửa làm giảm khả năng hấp thụ thuốc của cơ thể. Hãy tham khảo ý kiến từ bác sĩ về vấn đề này để có được phương pháp xử lý hiệu quả nhất.
Bị đi ngoài thường xuyên
Những người bị viêm dạ dày ruột cấp sẽ rất dễ gặp phải tình trạng tiêu chảy kéo dài hoặc hội chứng ruột kích thích. Chỉ cần bạn dung nạp bất cứ loại thực phẩm “lạ” nào, cơ thể sẽ xảy ra phản ứng và gây ra hiện tượng tiêu chảy.
Cách điều trị bệnh viêm dạ dày ruột cấp tính
Ngoài việc xác định các dấu hiệu của bệnh, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh qua những xét nghiệm phân và máu để xác định bệnh do virus, vi khuẩn hay ký sinh trùng gây nên.
Sau khi đã tìm được nguyên nhân gây bệnh, tùy theo mức độ nặng nhẹ và thể trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị theo các phương pháp như sau:
Chữa bệnh theo phương pháp Tây y
Một số phương pháp sẽ được bác sĩ áp dụng như:
Truyền dịch:
Nếu người bệnh bị mất nước nghiêm trọng sẽ được chỉ định truyền dịch tĩnh mạch để bổ sung lượng nước đã mất cho cơ thể. Sau khoảng 7-10 ngày nếu được bù nước và khoáng đầy đủ, bệnh sẽ tự khỏi.
Dùng thuốc:
Những trường hợp bị viêm dạ dày ruột cấp do vi khuẩn gây ra sẽ được chỉ định dùng thuốc kháng sinh. Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ được bác sĩ cho sử dụng một số loại thuốc sau để điều trị triệu chứng, bao gồm:
- Thuốc giảm đau hạ sốt: Ibuprofen hoặc Paracetamol,…
- Thuốc chống nôn: Prochlorperazine, Promethazine đường tiêm, Ondansetron đường uống.
- Thuốc tiêu chảy: Diphenoxylate hoặc Loperamid,…
- Thuốc kháng acid dạ dày: Maalox hoặc Mylanta ở dạng lỏng,
- Thuốc giảm tiết acid dạ dày: Omeprazol, Cimetidine, Famotidin, Nizatidine, Ranitidine, Esomeprazole, Lansoprazole, Rabeprazole,…
Sử dụng thuốc Đông y
Sử dụng thuốc Đông y không phải là phương pháp được nhiều người nghĩ đến khi điều trị viêm dạ dày cấp tính. Bởi thuốc Đông y có tác dụng chậm, trong khi đó căn bệnh này lại cần được điều trị nhanh trong thời gian ngắn. Tuy nhiên bạn nên kết hợp điều trị cả thuốc Tây y và Đông y để đạt được hiệu quả tốt nhất. Bởi việc áp dụng thuốc Đông y có thể giúp bài tiết dịch vị trong dạ dày, kháng viêm, giảm đau, tăng cường chất nhầy giúp bảo vệ niêm mạc ruột.
Một số bài thuốc Đông y giúp điều trị bệnh có thể kể đến như:
Bài thuốc 1:
- Vị thuốc: Bồ công anh 12g, rau má 12g, sài hồ 8g, chi tử 8g, cúc tần 8g, hậu phác 6g, ô dược 6g, lá muồng trâu 6g, uất kim 6g, viễn chí 6g.
- Cách thực hiện: Rửa sạch các nguyên liệu trên, cho vào nồi đun cùng với 4 bát nước, đun sôi nhỏ lửa đến khi cạn còn 2 bát thì tắt bếp. Uống hết thuốc trong ngày. Thực hiện liên tục trong vòng 2 tháng, lượng axit trong dạ dày sẽ giảm dần.
Bài thuốc 2:
- Vị thuốc: Trần bì 10g, truật sơn kế 10g, củ sả 10g, đẳng sâm 10g, sa nhân 8g, chỉ thực 8g, mai mực 8g, bồ bồ 8g, đồ kinh 8g, bán hạ chế 8g, hương phụ 8g.
- Cách thực hiện: Rửa sạch các nguyên liệu trên, cho vào nồi sắc cùng 4 bát nước, đun sôi nhỏ lửa đến khi cạn còn 2 bát thì tắt bếp. Mỗi ngày uống một thang, dùng liên tục cho đến khi các triệu chứng của bệnh được cải thiện.
Bài thuốc 3:
- Vị thuốc: Hoắc hương, trần bì, sài hồ,..
- Cách thực hiện: Cho tất cả nguyên liệu vào đun cùng với 4 bát nước, đun sôi nhỏ lửa đến khi còn 1 bát thì tắt bếp. Thuốc có tác dụng giảm triệu chứng viêm đau dạ dày do nhiễm khuẩn. Sử dụng liên tục trong ít nhất 2 tuần bệnh tình sẽ được thuyên giảm.
Điều trị cơn đau dạ dày cấp bằng mẹo dân gian
Nếu các triệu chứng của bệnh viêm dạ dày ruột cấp không quá nghiêm trọng, bạn hoàn toàn có thể tự điều trị tại nhà mà không cần phải sử dụng thuốc. Dưới đây là một số cách điều trị viêm dạ dày cấp bằng mẹo dân gian bạn có thể tham khảo:
Nghệ, mật ong
Cách chữa viêm dạ dày ruột cấp bằng nghệ và mật ong là phương pháp được rất nhiều người áp dụng. Cả hai nguyên liệu này đều có tác dụng trong việc hỗ trợ tiêu hóa, giúp kháng viêm, giảm đau, điều trị chứng đầy hơi, chướng bụng, ợ chua một cách hiệu quả. Ngoài ra, bài thuốc này còn có tác dụng giúp tăng cường lợi khuẩn cho đường ruột, làm giảm tình trạng đau dạ dày.
Cách thực hiện:
- Cho 1 thìa bột nghệ và 1 thìa mật ong nguyên chất vào 200ml nước ấm.
- Khuấy đều ly nước và uống mỗi ngày 2-3 lần.
- Nên uống vào trước mỗi bữa ăn 30 phút để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Quả sung
Theo nghiên cứu, quả sung có chứa rất nhiều dưỡng chất có lợi cho cơ thể con người như: Photpho, vitamin, kali, glucose, malic acid… Những hoạt chất này có tác dụng chữa lành những vết thương bên trong niêm mạc dạ dày, cải thiện chức năng tiêu hóa và tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh.
Cách thực hiện:
- Chuẩn một lượng sung tươi vừa đủ, rửa sạch và ngâm cùng nước muối 10 phút.
- Sau đó vớt sung ra, để ráo nước, bổ sôi trái sung và phơi khô.
- Cho sung khô vào trong chảo rồi sao vàng lên, sau đó tán thành bột mịn.
- Cho bột sung vào lọ thủy tinh, đậy kín nắp và bảo quản ở nơi khô ráo.
- Khi sử dụng dùng 2 thìa bột sung hòa tan với 100ml nước ấm để sử dụng.
- Uống mỗi ngày 2-3 lần để làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm dạ dày ruột cấp.
Lá mơ
Lá mơ lông là ngoài việc sử dụng làm món ăn còn có tác dụng giúp điều trị các căn bệnh về đường tiêu hóa. Theo Y học cổ truyền, lá mơ có vị đắng, tính mát, có tác dụng giải độc, sát khuẩn. Nhờ đó nguyên liệu này có thể cải thiện tình trạng khó tiêu, đầy hơi, tiêu hóa kém, đau dạ dày. Theo Y học hiện đại, trong thành phần của lá mơ có chứa nhiều chất xơ, chất chống oxy hóa và các khoáng chất thiết yếu, giúp trung hòa axit trong dạ dày và điều hòa các hoạt động của hệ tiêu hóa.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị 1 nắm lá mơ lông. đem rửa sạch rồi để ráo nước.
- Cho lá mơ vào máy xay sinh tố để xay nhuyễn, lọc bỏ bã.
- Uống trực tiếp nước lá mơ lông hoặc đem đi hấp cách thủy.
- Mỗi ngày người bệnh uống khoảng 2 lần, sử dụng liên tục cho đến khi các triệu chứng của bệnh dần thuyên giảm.
Nước dừa
Theo nghiên cứu, nước dừa có chứa nhiều enzyme có lợi cho đường tiêu hóa như peroxidase, dehydrogenase, catalase, axit lauric, vitamin C, B1, B2, B5 và nhiều khoáng chất như kali, photpho, canxi,… Những chất này có tác dụng giúp tăng cường quá trình trao đổi chất ở đường ruột, tăng chất nhầy ở niêm mạc dạ dày, làm lành vết loét, chống lại vi khuẩn có hại, tăng cường sức đề kháng, trung hòa acid, cải thiện các triệu chứng như ợ chua, trào ngược dạ dày.
Cách thực hiện:
- Mua dừa tươi, đỏ nước ra ly và chia thành 2 phần bằng nhau.
- Mỗi ngày uống 2 ly vào buổi sáng và buổi tối sau khi ăn 30 phút.
- Kiên trì áp dụng trong nhiều ngày cho đến khi các triệu chứng của bệnh được cải thiện.
Bệnh viêm dạ dày ruột nên ăn gì, kiêng gì?
Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, người bệnh viêm dạ dày ruột cấp cũng cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh để bệnh nhanh được cải thiện và không xảy ra những biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là những loại thực phẩm người bệnh nên và không nên sử dụng:
Những thực phẩm nên sử dụng:
- Tinh bột: Bánh mì trắng, bánh quy giòn không nhân, bánh mì nướng, ngũ cốc nấu chín, bột yến mạch, bỏng gạo, bỏng ngô, gạo trắng, mì ống.
- Trái cây: Chuối chín, dưa hấu, dưa gang, bơ.
- Rau củ: Khoai tây, măng tây, củ cải, đậu xanh, cà rốt, nấm, cải bó xôi, bí đao, bí ngô.
- Chất đạm: thịt lợn nạc, trứng, thịt bò, thịt cừu, thịt gà, cá biển.
- Chất béo: Bơ thực vật, bơ, dầu, mayonnaise, nước sốt cà chua, kem sữa, xì dầu, thạch, mật ong, siro.
- Món ăn nhẹ: Bánh bông lan, bánh quy, bánh pudding, bánh trứng, nước hoa quả, kem, kẹo cứng, bánh mì pretzel, bánh xốp vani.
- Nước uống: Nước lọc, nước ép rau củ quả, trà.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần tránh sử dụng các loại thực phẩm như sau:
- Đồ uống chứa caffeine: Bởi caffeine có thể gây khó ngủ, khiến hệ tiêu hóa bị kích thích.
- Thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ: Nhóm thực phẩm này có thể gây ra tình trạng buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy.
- Thực phẩm cay nóng: Khiến các vết thương trong niêm mạc dạ dày trở nên nghiêm trọng hơn.
- Thực phẩm có đường: Lượng đường quá cao có thể khiến người bệnh viêm dạ dày ruột cấp bị tiêu chảy và đau bụng.
- Sữa: Sữa và các chế phẩm từ sữa có thể khiến người bệnh khó dung nạp lactose trong sữa. Điều này gây ra tình trạng đầy bụng, khó tiêu.
Phòng ngừa và hỗ trợ điều trị viêm dạ dày ruột cấp
Những thói quen trong ăn uống, sinh hoạt có thể giúp bạn phòng ngừa hoặc hạn chế những diễn biến nghiêm trọng của bệnh viêm dạ dày ruột cấp:
- Bệnh viêm dạ dày ruột cấp tính khiến cơ thể bị suy nhược và mất nước. Vì vậy bạn cần nghỉ ngơi để sức khỏe nhanh được hồi phục.
- Người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, nên sử dụng các loại thức ăn thanh mát, giàu dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin và chất xơ.
- Chú ý vệ sinh ăn uống, nên ăn chín uống sôi, tránh sử dụng thức ăn sống, tái, chưa nấu chín.
- Tăng cường sử dụng men vi sinh để cung cấp lợi khuẩn cho đường ruột, hạn chế tình trạng rối loạn tiêu hóa.
- Không sử dụng thuốc lá, các loại rượu, bia, cà phê, nước ngọt có gas,… Vì chúng đều có hại cho dạ dày và ngũ tạng.
- Khi sử dụng thuốc chữa viêm dạ dày ruột cấp người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, không được tùy tiện sử dụng để tránh gây nhờn thuốc.
- Cần có chế độ làm việc, nghỉ ngơi khoa học, điều độ, không làm việc quá sức, tránh căng thẳng, stress.
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nên rửa tay trước khi ăn, sau khi vệ sinh và trước khi chế biến thức ăn cho cả gia đình.
- Không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác như: Bàn chải, bát, đũa, cốc,… để tránh bị lây nhiễm bệnh cho mọi người.
- Cần thăm khám sức khỏe thường xuyên để theo dõi diễn biến của bệnh.
- Liên hệ với bác sĩ ngay khi nhận thấy cơ thể có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
- Hạn chế đến những nơi đông người, hạn chế đi vệ sinh ở những nhà vệ sinh công cộng và hạn chế đến nơi có không khí hoặc nguồn nước bị ô nhiễm.
- Nên thường xuyên luyện tập thể dục thể thao hàng ngày để tăng cường sức khỏe, giúp cơ thể chống chọi lại với mọi bệnh tật.
Như vậy bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh viêm dạ dày ruột cấp, nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị bệnh. Đối với trẻ em và người cao tuổi, đây là một căn bệnh không thể xem nhẹ. Vì vậy ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường của sức khỏe, người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện gần nhất để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.
Cập nhật 3:17 PM , 17/08/2023