Xuất huyết tiêu hóa trên là tình trạng xuất huyết ở phần trên của hệ thống tiêu hóa bao gồm thực quản, dạ dày hoặc tá tràng. Trong các trường hợp nghiêm trọng, tình trạng này có thể gây chảy máu dữ dội và cần được điều trị y tế cấp cứu để tránh các biến chứng nghiêm trọng.
Thông tin cần biết về tình trạng xuất huyết tiêu hóa trên
Xuất huyết tiêu hóa hay xuất huyết dạ dày là tình trạng chảy máu ở hệ thống tiêu hóa, có khả năng đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị phù hợp.
1. Xuất huyết tiêu hóa trên là gì?
Xuất huyết tiêu hóa có thể gây ảnh hưởng đến các vị trí khác nhau ở hệ thống tiêu hóa. Nếu xuất huyết ở thực quản, dạ dày và phần trên của ruột non (tá tràng) thì được gọi là xuất huyết tiêu hóa trên.
Máu có thể xuất hiện ở chất nôn hoặc dưới dạng phân đen. Tuỳ thuộc vào lượng máu xuất huyết mà người bệnh có thể bị sốc, dẫn đến các cơn co thắt, mệt mỏi hoặc cảm thấy yếu ớt.
Xuất huyết tiêu hóa trên chiếm 75% các trường hợp xuất huyết tiêu hóa cấp tính và tỷ lệ tử vong khoảng 2 – 15%. Tình trạng này có thể liên quan đến viêm loét dạ dày, giãn tĩnh mạch ở thực quản hoặc liên quan đến các bệnh lý nghiêm trọng hơn, bao gồm ung thư dạ dày.
Trong các trường hợp nghiêm trọng, người bệnh cần được điều trị cấp cứu, truyền máu và chất lỏng để ngăn ngừa các rủi ro liên quan. Chảy máu nghiêm trọng có thể cần phẫu thuật để ngăn ngừa tử vong, mặc dù điều này thường không xảy ra.
2. Dấu hiệu nhận biết xuất huyết tiêu hóa trên
Các dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa trên có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng phụ thuộc vào vị trí xuất huyết và các tổn thương liên quan. Cụ thể, các triệu chứng phổ biến thường bao gồm:
- Nôn ra máu, máu có thể có màu đỏ hoặc nâu sẫm, đôi khi chất nôn có thể giống bã cà phê
- Máu xuất hiện ở phân khiến phân có màu đen hoặc hắc ín
- Chảy máu từ trực tràng, có thể hòa lẫn với phân hoặc dẫn đến tình trạng đi ngoài ra máu
Ngoài ra, các dấu hiệu tiềm ẩn có thể bao gồm:
- Tầm nhìn kém
- Khó thở
- Đau ngực
- Đau dạ dày
- Ngất xỉu
Trong một số trường hợp, xuất huyết tiêu hóa trên có thể xảy ra đột ngột và tiến triển nhanh chóng. Điều này có thể khiến người bệnh bị sốc. Các dấu hiệu sốc thường bao gồm:
- Hạ huyết áp
- Không thể đi tiểu hoặc tiểu không thường xuyên với số lượng nước tiểu nhỏ
- Mạch đập nhanh
- Mất ý thức
3. Nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa trên
Có nhiều nguyên nhân gây xuất huyết đường tiêu hóa trên, trong đó viêm loét dạ dày tá tràng là nguyên nhân phổ biến nhất, chiếm khoảng 40 – 50%. Loét dạ dày gây tổn thương niêm mạc dạ dày và phần trên của ruột non. Bên cạnh đó Axit dạ dày, vi khuẩn các loại thuốc điều trị có thể làm hỏng lớp lót, dẫn đến hình thành vết loét và gây xuất huyết.
Giãn tĩnh mạch thực quản là một nguyên nhân phổ biến khác có thể gây xuất huyết tiêu hóa, chiếm khoảng 5 – 30%. Tình trạng này thường phổ biến ở những người uống rượu quá mức. Ngoài ra, những người bị bệnh gan nghiêm trọng cũng có tĩnh mạch thực quản mở rộng và gây xuất huyết nghiêm trọng.
Bên cạnh đó theo thống kê, các nguyên nhân khác có thể bao gồm:
Nguyên nhân thực quản:
- Viêm thực quản ăn mòn (chiếm 11%)
- Ung thư thực quản
- Loét thực quản
Nguyên nhân dạ dày:
- Viêm loét dạ dày (40 – 50%)
- Ung thư dạ dày
- Viêm dạ dày
- Giãn tĩnh mạch dạ dày
- Viêm dạ dày dị tật mạch máu
Nguyên nhân tá tràng:
- Loét tá tràng
- Dị dạng mạch máu (khoảng 5%)
- Hội chứng động mạch mạc treo tràng trên nặng
Xuất huyết tiêu hóa trên có nguy hiểm không?
Xuất huyết tiêu hóa được điều trị kịp lúc có thể mang lại hiệu quả tốt và không gây ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy nhiên, trong trường hợp chảy máu nghiêm trọng hoặc gây sốc, có thể dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng và tử vong.
Người trên 60 tuổi thường dễ gặp các biến chứng xuất huyết tiêu hóa trên nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong dao động từ 12 – 25%. Người trẻ tuổi có hệ thống miễn dịch kém hoặc có các bệnh lý mãn tính khác cũng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Các yếu tố nguy cơ có liên quan đến tỷ lệ tử vong bao gồm:
- Tuổi trên 60 tuổi
- Xuất huyết nghiêm trọng
- Chảy máu tích cực (bao gồm chứng chảy máu màu đỏ tươi trên ống thông mũi hoặc có máu tươi ở trực tràng)
- Huyết áp thấp
- Đã truyền hồng cầu lớn hơn hoặc bằng 6 đơn vị
- Rối loạn đông máu nặng
- Bệnh nhân bị sốc xuất huyết có tỷ lệ tử vong lên tới 30%.
Chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa trên
Để chẩn đoán chảy máu đường tiêu hóa, bác sĩ sẽ xác định vị trí chảy máu dựa trên lịch sử y tế, những loại thuốc bạn đang dùng và lịch sử bệnh án gia đình. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể kiểm tra các triệu chứng liên quan, kiểm tra âm thanh trong cơ thể bằng ống nghe.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm và kiểm tra liên quan như:
- Xét nghiệm máu: Người bệnh có thể cần công thức máu toàn bộ để kiểm tra tốc độ đông máu, số lượng tiểu cầu và chức năng gan.
- Xét nghiệm phân: Các phân tích phân có thể giúp xác định nguyên nhân xuất huyết dạ dày.
- Nội soi mũi: Được thực hiện thông qua một ống nội soi đưa qua mũi vào dạ dày để xác định nguồn chảy máu.
- Chụp động mạch: Bác sĩ có thể tiêm thuốc phản quang vào động mạch và sử dụng tia X để xác định và điều trị các mạch máu tổn thương và các bất thường khác.
- Xét nghiệm hình ảnh: Một loạt các xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như chụp CT bụng, có thể được sử dụng để xác định nguồn chảy máu.
Biện pháp điều trị xuất huyết tiêu hóa trên
Các biện pháp điều trị thường phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản và mức độ nghiêm trọng của xuất huyết. Các biện pháp điều trị phổ biến có thể bao gồm:
1. Truyền máu và chất lỏng
Người bệnh cần được truyền dịch để chống mất nước và truyền máu để tránh thiếu máu gây sốc. Sau khi xác nhận được nguyên nhân gây xuất huyết, bác sĩ có thể chỉ định truyền dịch thông qua tĩnh mạch để cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa rủi ro.
Truyền dịch thường được chỉ định cho các trường hợp xuất huyết tiêu hóa trên không nghiêm trọng. Phương pháp này hỗ trợ tăng thể tích máu và lượng chất lỏng tuần hoàn trong cơ thể. Tuy nhiên, phương pháp này không thể tăng huyết sắc tố (khả năng mang oxy đến các cơ quan).
Trong trường hợp huyết sắc tố giảm nghiêm trọng, gây thiếu máu nghiêm trọng và ảnh hưởng đến chức năng của hệ thống hô hấp, người bệnh cần được truyền máu để tránh sốc thiếu máu dẫn đến tử vong.
2. Sử dụng thuốc
Điều trị bằng thuốc thường không được ưu tiên trong việc điều trị xuất huyết tiêu hóa. Tuy nhiên, trong một số trường hợp các loại thuốc có thể hỗ trợ cầm máu và ngăn ngừa các triệu chứng trở nên nghiêm trọng.
Bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc ức chế bơm proton (PPI) để làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Ngay cả khi không xác định nguyên nhân gây xuất huyết, thuốc ức chế bơm proton cũng có thể được chỉ định để ngăn ngừa tổn thương nội và giảm các biến chứng liên quan.
3. Điều trị xuất huyết tái phát
Xuất huyết tiêu hóa trên có nguy cơ tái phát từ 10 – 20%. Do đo, người bệnh cần chú ý các triệu chứng liên quan để có biện pháp điều trị kịp lúc.
Trong các trường hợp tái phát, bác sĩ có thể đề nghị nội soi để xác định và loại bỏ nguồn xuất huyết. Nếu điều này không mang lại hiệu quả hoặc gây tái phát xuất huyết tiêu hóa lần thứ ba, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật điều trị.
Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp người bệnh không cần phẫu thuật.
Lời khuyên cho người bệnh xuất huyết tiêu hóa trên
Xuất huyết tiêu hóa là tình trạng phổ biến và có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm. Do đó, khi nhận thấy các triệu chứng xuất huyết tiêu hóa, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Bên cạnh đó, ngừng sử dụng các loại thuốc có thể khiến tình trạng xuất huyết trở nên nghiêm trọng. Các loại thuốc bao gồm:
- Các loại thuốc làm loãng máu như Warfarin và các loại khác. Loại thuốc này có thể làm gián đoạn dòng máu đông tự nhiên và gây xuất huyết hoặc khiến tình trạng xuất huyết dạ dày trở nên nghiêm trọng.
- Ibuprofen và các loại NSAID khác có thể là nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa trên. Do đó, nếu thường xuyên sử dụng các loại thuốc này, người bệnh nên cân nhắc ngừng thuốc hoặc trao đổi với bác sĩ về việc thay đổi loại thuốc.
- Aspirin có thể làm gián đoạn lưu thông tiểu cầu và khiến các tình trạng xuất huyết trở nên nghiêm trọng. Do đó, ngừng sử dụng thuốc cho đến khi các triệu chứng xuất huyết tiêu hóa đã được chữa lành.
Xuất huyết tiêu hóa trên là tình trạng cần điều trị cấp cứu để tránh gây ảnh hưởng đến tính mạng. Xác định vị trí chảy máu là điều rất quan trọng để cầm máu và ngăn ngừa các biến chứng. Có nhiều bệnh lý liên quan đến xuất huyết đường tiêu hóa trên bao gồm thực quản, dạ dày và phần trên của ruột non (tá tràng). Vì vậy nếu nhận thấy các dấu hiệu xuất huyết, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Cập nhật 3:25 PM , 17/08/2023