Chụp CT hay chụp cắt lớp vi tính răng là một kỹ thuật sử dụng phổ biến và vô cùng hữu dụng trong lĩnh vực nha khoa. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ mang đến cho bạn những thông tin về khái niệm cơ bản, quy trình, công dụng và sự quan trọng của kỹ thuật này trong chẩn đoán, điều trị các vấn đề về răng miệng. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết kỹ thuật chụp CT răng trong nội dung sau đây.
Kỹ thuật chụp CT răng là gì? Cần thực hiện khi nào?
Chụp CT răng (chụp cắt lớp vi tính) là một kỹ thuật hình ảnh y tế tiên tiến cho phép nhìn thấy chi tiết bên trong cấu trúc răng, xương hàm và mô mềm xung quanh.
Khác với các loại chụp X-quang truyền thống, CT răng cung cấp hình ảnh 3D chính xác, cho phép các chuyên gia và bác sĩ nha khoa đánh giá rõ ràng, chính xác hơn về tình trạng sức khỏe răng miệng của bạn.
Việc chụp cắt lớp vi tính răng được thực hiện khi cần xem xét chi tiết và chính xác về cấu trúc toàn hàm trong các trường hợp sau đây:
- Thực hiện trồng răng giả.
- Cấy ghép Implant.
- Nhổ răng khôn nằm ngang, mọc ngầm.
- Thăm khám sức khỏe răng miệng tổng quát, chẩn đoán và phát hiện sớm các vấn đề răng miệng.
- Điều trị nội nha.
Đặc điểm của phương pháp chụp cắt lớp răng
Chụp CT răng có nhiều ưu điểm và một số mặt hạn chế nhất định như sau:
Ưu điểm
- Hình ảnh chi tiết và chính xác: Chụp CT răng cung cấp hình ảnh 3D chi tiết về cấu trúc răng, xương hàm và mô mềm xung quanh. Điều này giúp bác sĩ nha khoa có cái nhìn chính xác hơn về tình trạng sức khỏe răng miệng của người bệnh.
- Chẩn đoán các vấn đề phức tạp: Chụp cắt lớp vi tính răng là một công cụ hữu ích để phát hiện và chẩn đoán các vấn đề nha khoa phức tạp như viêm nướu sâu, nhiễm trùng, sâu răng, viêm tủy, bệnh nha chu,… và các tình trạng khó nhận biết bằng các kỹ thuật hình ảnh thông thường.
- Lập kế hoạch điều trị chính xác: Thông tin từ chụp CT răng giúp nha sĩ lập kế hoạch điều trị chính xác hơn cho các quy trình nha khoa phức tạp như cấy ghép răng, nhổ bỏ răng khôn, điều trị tủy răng,…
- Không đau và nhanh chóng: Quá trình thực hiện chụp cắt lớp vi tính răng không gây đau đớn và thường rất nhanh chóng, chỉ cần mất vài phút để hoàn thành.
Nhược điểm
- Tia X và liều phóng xạ: Mặc dù liều phóng xạ từ chụp CT răng thấp và không gây hại nhiều như chụp cắt lớp vi tính toàn thân nhưng vẫn có một lượng nhỏ tia X phóng xạ được sử dụng. Chính vì vậy, phụ nữ mang thai và trẻ em có thể cần hạn chế thực hiện chụp CT cho răng nếu không cần thiết hoặc được bác sĩ chỉ định.
- Chi phí: Chụp cắt lớp vi tính răng thường đắt hơn so với các kỹ thuật hình ảnh truyền thống khác như chụp X-quang. Chi phí có thể là một trong những hạn chế đối với nhiều người bệnh đối với dịch vụ này.
Trong một số trường hợp, chụp CT răng có thể quá phức tạp hoặc không cần thiết nếu mục tiêu chẩn đoán của bệnh nhân có thể đạt được thông qua các kỹ thuật hình ảnh khác một cách đơn giản và hiệu quả.
Nhìn chung, ưu điểm của kỹ thuật này vượt trội hơn so với những mặt hạn chế và việc sử dụng chụp cắt lớp vi tính mang đến rất nhiều giá trị hữu ích trong quá trình chẩn đoán cũng như điều trị các vấn đề răng miệng.
6 vai trò của chụp cắt lớp vi tính răng
Vai trò của chụp CT răng rất quan trọng trong việc đánh giá và chẩn đoán các vấn đề răng miệng và hàm mặt. Dưới đây là các vai trò chính của việc chụp cắt lớp vi tính răng trong lĩnh vực nha khoa:
- Chẩn đoán và điều trị các vấn đề răng và xương hàm: Chụp CT răng cho phép bác sĩ nha khoa phát hiện và chẩn đoán sớm những vấn đề về răng miệng để có giải pháp khắc phục kịp thời.
- Lập kế hoạch cấy ghép răng: Việc chụp cắt lớp vi tính răng cung cấp thông tin chính xác về kích thước, mật độ và tình trạng của xương hàm, răng. Từ đó bác sĩ nha khoa có những cơ sở chuẩn xác để lập kế hoạch và thực hiện quy trình cấy ghép răng một cách an toàn, phù hợp nhất với người bệnh.
- Đánh giá vị trí răng khôn: Chụp CT răng giúp xác định vị trí chính xác của răng khôn trong xương hàm. Như vậy, bác sĩ có thể đánh giá được các tình trạng như răng khôn mọc lệch, mọc ngầm dưới nướu, mọc chồng lên răng lân cận,…
- Đánh giá khớp cắn và hàm mặt: Kỹ thuật này cung cấp hình ảnh chi tiết về hàm mặt và khớp cắn. Thông qua đó, bác sĩ sẽ quan sát, đánh giá và phát hiện các vấn đề về khớp cắn cũng như những rối loạn liên quan nếu có. Như vậy, bác sĩ có thể tư vấn những giải pháp điều trị sớm, bảo vệ sức khỏe răng miệng của người bệnh trước những ảnh hưởng không tốt có thể xảy ra.
- Xem xét mô mềm và mạch máu: Ngoài các cấu trúc răng và xương, chụp CT răng còn giúp nha sĩ xem xét mô mềm, mạch máu xung quanh. Từ đó giúp bác sĩ nha khoa đánh giá tình trạng nhiễm trùng và viêm nhiễm.
- Hỗ trợ lập kế hoạch điều trị tổng thể: Việc chụp cắt lớp vi tính răng cho phép bác sĩ nha khoa có cái nhìn tổng thể về tình trạng răng miệng cũng như hàm mặt của bệnh nhân. Điều này mang đến những giá trị vô cùng hữu ích đối với các bác sĩ trong quá trình lập kế hoạch điều trị phù hợp và tối ưu hóa kết quả nhất.
Tóm lại, chụp CT răng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin chính xác và chi tiết về cấu trúc răng miệng và hàm mặt, hỗ trợ quyết định chẩn đoán cũng như lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân trong lĩnh vực nha khoa.
Các bước trong quy trình thực hiện chụp cắt lớp vi tính răng
Quy trình thực hiện chụp CT cho răng thường bao gồm các bước sau đây:
- Bước 1 – Chuẩn bị trước khi chụp cắt lớp răng
Trước khi chụp cắt lớp vi tính răng, bạn sẽ được bác sĩ hỏi về tình trạng sức khỏe bao gồm những vấn đề liên quan đến tiền sử bệnh lý bệnh lý và những loại thuốc đang dùng để đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện.
Lưu ý rằng, trước khi chụp, bạn cũng sẽ được nhắc nhở về việc tháo bỏ các đồ trang sức hoặc vật dụng kim loại khác trên người để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng tới kết quả do hiện tượng nhiễu ảnh gây ra.
- Bước 2 – Định vị và định hướng chụp
Nhân viên hỗ trợ y tế sẽ giúp bạn định vị đúng vị trí để chụp, phần cằm đặt vào bàn và cắn răng vào khe nhỏ trên máy. Sau đó, hệ thống máy chụp CT răng sẽ được định hướng sao cho tạo ra hình ảnh chính xác của vùng răng miệng và hàm mặt.
- Bước 3 – Chụp hình
Khi đã định vị và định hướng, máy CT răng sẽ bắt đầu quay xung quanh vùng miệng và hàm mặt của bạn để thu thập dữ liệu hình ảnh từ nhiều góc độ khác nhau. Quá trình sẽ thực hiện chụp khoảng 700 bức ảnh với khung hình cực mỏng từng vùng hàm sẽ để có thể dựng được thành 1 tấm 3D phim hoàn chỉnh. Bước chụp hình CT răng rất nhanh và bạn chỉ cần giữ yên lặng, đảm bảo rằng không di chuyển trong suốt thời gian này.
- Bước 4 – Xử lý dữ liệu và tạo hình ảnh
Sau khi thu thập đủ dữ liệu, máy tính sẽ xử lý các thông tin trên và tạo ra những hình ảnh cắt lát 2D hoặc 3D của toàn bộ hệ thống khoang miệng. Nhân viên y tế hoặc bác sĩ nha khoa sẽ xem xét dựa trên hình ảnh cuối cùng rồi đánh giá tình trạng sức khỏe răng miệng của bạn và đưa ra chẩn đoán cũng như kế hoạch điều trị phù hợp nếu phát hiện bất kỳ vấn đề nào.
Quy trình chụp CT răng rất đơn giản và hoàn toàn không gây bất kỳ cảm giác đau đớn nào cho người bệnh. Sau khi hoàn thành chụp, bạn có thể tiếp tục hoạt động bình thường và không cần thời gian nghỉ ngơi hậu quá trình này.
Một số lưu ý khi thực hiện chụp hình ảnh cắt lớp răng
Do quá trình chụp CT cắt lớp răng có sử dụng tia X nên để đảm bảo an toàn và kết quả có được chính xác nhất, khi thực hiện chụp cần chú ý một số vấn đề như:
- Thông báo y tế: Chủ động thông báo về các bệnh lý hiện có, vấn đề sức khỏe đặc biệt hoặc yếu tố bị dị ứng hay loại thuốc đang sử dụng để bác sĩ tư vấn giải pháp thực hiện phù hợp.
- Thông báo về thai kỳ: Nếu đang trong thời gian thai kỳ bầu bắt buộc phải thông báo trước cho nhân viên y tế hoặc bác sĩ trực tiếp điều trị để đánh giá có nên tiếp tục thực hiện hay không. Điều này nhằm đảm bảo tia X không gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai kỳ.
- Tháo bỏ đồ trang sức và vật dụng kim loại: Kim loại có thể gây nhiễu sóng và ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh. Chính vì vậy, đảm bảo rằng trước khi vào phòng chụp CT răng, bạn đã tháo bỏ đồ trang sức và vật dụng kim loại.
- Tuân thủ hướng dẫn: Tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế khi thực hiện chụp bao gồm trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ chống phóng xạ và vị trí cần đứng.
Trên đây là toàn bộ những thông tin liên quan đến kỹ thuật thực hiện chụp CT răng. Hy vọng qua những chia sẻ từ bài viết, bạn đọc đã hiểu thêm về chụp cắt lớp răng và những giá trị mà kỹ thuật này mang đến trong việc điều trị nha khoa.
Cập nhật 9:19 AM , 28/07/2023