Cười hở lợi là một trong những khuyết điểm lớn trên khuôn mặt, xuất phát do sự phát triển bất thường của răng hoặc xương hàm. Những người gặp vấn đề này thường có tâm lý tự ti, ngại giao tiếp, thậm chí có thể dẫn đến trầm cảm. Bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ phân tích cụ thể hơn về nguyên nhân, cách điều trị và giải đáp một số câu hỏi liên quan đến hiện tượng trên, mời bạn đọc cùng theo dõi.
Cười hở lợi là bệnh gì?
Cười hở lợi là tình trạng khi cười, phần nướu hàm trên lộ hơn 3mm từ chân răng đến môi. Hiện tượng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ khuôn mặt, khiến nụ cười của bạn trông kém duyên, thiếu tự nhiên.
Các chuyên gia nhận định, cười hở lợi không phải bệnh lý nha khoa nguy hiểm nhưng bệnh nhân nên có kế hoạch điều trị sớm để không làm giảm chất lượng cuộc sống. Dựa vào diện tích phần lợi bị lộ ra khi cười, các bác sĩ chuyên khoa thường chia thành 4 mức độ như sau:
- Mức độ nhẹ: Vùng mô nướu lộ nhiều hơn 3mm và ít hơn 25% chiều dài của răng.
- Mức độ trung bình: Phần lợi bị lộ nhiều hơn 25% và ít hơn 50% chiều dài của răng.
- Mức độ trên trung bình: Trong trường hợp này, vùng lợi bị lộ trên 50% và ít hơn 100% chiều dài của răng.
- Mức độ nặng: Phần lợi khi cười sẽ bị lộ trên 100% so với chiều dài chân răng.
Nguyên nhân gây cười hở lợi do đâu?
Mặc dù không phát triển thành bệnh lý nha khoa nhưng tình trạng hở lợi khi cười vẫn gây bất lợi cho người bệnh trong quá trình ăn nhai và sinh hoạt hằng ngày. Thực tế, người bị cười hở lợi thường có tâm lý thiếu tự tin, ngại nói chuyện với những người xung quanh. Thậm chí, họ có xu hướng lựa chọn những công việc không phải giao tiếp nhiều để che đi một phần khuyết điểm của bản thân. Nụ cười hở lợi xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, cụ thể như:
- Do sự phát triển của răng: Trong quá trình hình thành và phát triển, răng gặp một số tác động bên trong dẫn đến mọc thụ động hoặc bị kẹt lại dưới nướu khiến phần thân răng ngắn hơn so với tiêu chuẩn. Điều này làm răng và lợi có sự chênh lệch rõ rệt, nhìn bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận ra. Chiều răng thân răng càng ngắn thì vùng lợi bị hở ra càng nhiều.
- Do sự phát triển quá mức của lợi: Hiện tượng lợi phát triển quá đà, bao trùm 2/3 thân răng cũng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng cười hở lợi.
- Xương ổ răng bị gồ: Phần xương ổ răng nhô cao hơn bình thường khiến phần môi bị kéo cao lên khi cười.
- Răng hàm trên mọc không đều: Răng hàm trên mọc không đều, khấp khểnh hoặc lún xuống quá mức tạo khoảng trống giữa phần răng và môi, từ đó dẫn đến hiện tượng hở lợi khi cười.
5 cách chữa hở lợi khi cười hiệu quả nhất
Căn cứ vào nguyên nhân và mức độ cười lợi, nha sĩ sẽ tư vấn phác đồ điều trị phù hợp. Hiện nay, với sự phát triển vượt bậc của khoa học, công nghệ điều trị cười hở lợi kỹ thuật số ra đời đã khắc phục hoàn toàn nhược điểm của phương pháp truyền thống, giúp tối ưu hóa quy trình thực hiện và mang lại hiệu quả cao. Dưới đây là 5 cách điều trị cười hở lợi được các chuyên gia đầu ngành đánh giá cao:
- Chỉnh nha
Chỉnh nha hay niềng răng là kỹ thuật kéo răng về vị trí chuẩn trên cung hàm nhờ lực tác động từ hệ thống khí cụ bao gồm mắc cài, dây cung và thun niềng. Đây là phương pháp điều trị cười hở lợi không phẫu thuật, áp dụng trong trường hợp xương hàm trên bị gồ. Bạn có thể lựa chọn niềng răng mắc cài kim loại, sứ hoặc niềng răng trong suốt để phù hợp nhất với điều kiện tài chính và tính chất công việc của bản thân.
- Cắt nướu bằng laser
Phương pháp này phù hợp cho những đối tượng bị cười hở lợi do thân răng ngắn. Nha sĩ sẽ tiến hành cắt nướu để kéo dài thân răng, từ đó giúp khuôn mặt cân đối và hài hòa hơn. Việc sử dụng tia laser cũng ngăn chặn được biến chứng sau phẫu thuật, đồng thời đẩy nhanh tốc độ lành thương.
- Tiêm kéo cơ môi
Tương tự chỉnh nha, thủ thuật tiêm kéo cơ môi cũng là một trong những cách chữa hở lợi khi cười không phẫu thuật, áp dụng cho những người có cơ môi phát triển quá mức. Bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành tiêm botulinum toxin và định hình cơ môi nhằm cải thiện tình trạng lộ nướu răng. Tiêm kéo cơ môi là kỹ thuật nha khoa không quá phức tạp, đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người, được sử dụng tại hầu hết các nha khoa trên toàn quốc.
- Phẫu thuật tạo hình
Thực tế, phẫu thuật tạo hình có mục đích chính là làm dài môi trên, cải thiện tình trạng cười hở lợi do môi trên ngắn. Ngoài ra, trong trường hợp ổ xương quá dày, nha sĩ cũng sẽ sử dụng thủ thuật tạo hình xương ổ răng để khắc phục nhược điểm trên khuôn mặt.
- Phẫu thuật cắt xương hàm
Đây là kỹ thuật điều trị cười hở lợi tương đối phức tạp, mức độ nguy hiểm cao, chỉ áp dụng cho trường hợp xương hàm phát triển quá mức. Nha sĩ sẽ tiến hành cắt hàm và đẩy lùi về hai phía nhằm tạo sự cân đối cho khuôn mặt.
Trước khi điều trị cười hở lợi, bệnh nhân bắt buộc phải chụp X-quang răng và thực hiện một số xét nghiệm liên quan để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Quan trọng nhất, bạn cần tìm hiểu và lựa chọn địa chỉ nha khoa uy tín cùng đội ngũ bác sĩ chuyên môn vững vàng giúp ngăn chặn biến chứng sau phẫu thuật.
Giải đáp 3 câu hỏi liên quan đến cười hở lợi
Dưới đây là một số câu hỏi liên quan đến tình trạng hở lợi khi cười được khách hàng quan tâm nhiều nhất:
Khắc phục cười hở lợi tại nhà có được không?
Theo các chuyên gia, cười hở lợi có thể khắc phục tại nhà thông qua cách tập cười nhưng chỉ áp dụng đối với trường hợp nhẹ. Một số cách tập cười cơ bản chữa hở lợi khi cười như sau:
- Tập cười với một chiếc đũa: Ngậm một chiếc đũa ngang miệng để tập cười hằng ngày. Khi cơ miệng quen dần, bạn sẽ thấy rõ sự khác biệt. Cách này sẽ giúp bạn có một nụ cười nhẹ nhàng, duyên dáng đúng tiêu chuẩn, không lo bị cười quá lố hoặc cười hở lợi.
- Tập cười trước gương: Đứng trước gương tập cười sẽ giúp bạn nhận ra giới hạn nụ cười của chính mình hay cười đến mức độ nào để không bị lố hoặc hở lợi. Cách làm này thường được những người nổi tiếng hay các celeb áp dụng với mong muốn có một nụ cười tự tin nhất.
Niềng răng có điều trị dứt điểm cười hở lợi không?
Như phân tích ở trên, phương pháp niềng răng được nha sĩ chỉ định trong trường hợp bệnh nhân bị cười hở lợi không quá nặng. Kỹ thuật này giúp thu nhỏ phần lợi từ 2 – 4mm, đồng thời dàn đều răng trên cung hàm, từ đó cải thiện tính thẩm mỹ cho toàn bộ khuôn mặt.
Vậy niềng răng có điều trị dứt điểm cười hở lợi không? Câu trả lời là CÓ. Các chuyên gia nhận định, kỹ thuật chỉnh nha có thể xử lý triệt để nụ cười hở lợi mức độ nhẹ, tức là phần nướu bị lộ 3mm và không quá 25% so với chiều dài thân răng. Tuy nhiên, thời gian điều trị sẽ kéo dài khá lâu, khoảng 1.5 – 2 năm tùy từng đối tượng. Thêm vào đó, chi phí cho mỗi ca niềng tương đối cao, dao động trong khoảng 25.000.000 – 130.000.000 VNĐ.
Phẫu thuật tạo hình và cắt hàm có đau không?
Thực tế, trong quá trình phẫu thuật cười hở lợi, bệnh nhân sẽ không cảm thấy đau nhức hay khó chịu bởi tác dụng của thuốc gây tê. Tuy nhiên khi hết thuốc, cơn đau có thể bùng phát tùy mức độ theo cơ địa của mỗi người. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường do cơ thể đang thích nghi dần với sự thay đổi.
Thông thường, cơn đau sẽ kéo dài trong vòng từ 3 – 5 ngày và không phát sinh thêm biến chứng nào khác. Khi đó, bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau theo đơn của bác sĩ kết hợp với biện pháp chườm lạnh hoặc súc miệng bằng nước muối để giảm nhanh cơn đau tạm thời.
Sau giai đoạn này, nếu cơn đau không có dấu hiệu thuyên giảm mà ngày càng nghiêm trọng, bệnh nhân nên trở lại cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, chụp X-quang và xử lý vấn đề kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra như: Sưng và phù nề môi trên, nhiễm trùng vết mổ,…
Nhìn chung, cười hở lợi không phải là bệnh lý nha khoa nguy hiểm đến tính mạng con người nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống hằng ngày. Trường hợp nặng nếu không được khắc phục sớm sẽ khiến người bệnh rơi vào trạng thái mặc cảm, tự tin hoặc tách biệt với xã hội.