Những năm trở lại đây, tỏi được sử dụng rộng rãi để ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn, virus gây ra. Nhưng ít ai biết rằng, nhiều cách chữa viêm mũi dị ứng bằng tỏi cũng đã được dân gian áp dụng từ lâu.
Tỏi có tác dụng gì trong điều trị viêm mũi dị ứng?
Là một gia vị không thể thiếu trong mỗi căn bếp của gia đình, tỏi cũng là một nguyên liệu quý giá khi chứa nhiều chất dinh dưỡng, tinh dầu và các vitamin, khoáng chất có lợi cho cơ thể như vitamin B, C, E, sắt, canxi, kali, magie,…
Nổi bật nhất phải kể tới thành phần kháng sinh thực vật trong tỏi mang tên Allicin. Hoạt chất này không chỉ ức chế, tiêu diệt virus, vi khuẩn gây bệnh mà còn chống lại phản ứng dị ứng, viêm nhiễm trong cơ thể.
Ngoài ra, một hoạt chất khác mang tên fitonxit trong tỏi giúp kháng viêm, giảm phù nề, xung huyết. Nhờ vậy mà giúp giảm nhanh các triệu chứng viêm mũi dị ứng như nghẹt mũi, chảy nước mũi.
Mặt khác, trong tỏi cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa tự nhiên, giúp bảo vệ niêm mạc mũi khỏi các gốc tự do, giảm nguy cơ thoái hóa niêm mạc do viêm mũi dị ứng gây ra.
5 Cách chữa viêm mũi dị ứng bằng tỏi
Tỏi và mật ong
Tác dụng: Mật ong giúp bổ sung thêm nhiều dưỡng chất giúp tăng cường sức đề kháng, chống viêm nhiễm. Kết hợp giữa tỏi và mật ong còn giúp niêm mạc bị tổn thương phục hồi tốt hơn.
Cách dùng
- Cách 1: Ngâm khoảng 100g tỏi với 200g mật ong trong lọ thủy tinh từ 15-20 ngày. Khi dùng lấy ra khoảng 1-2 thìa mật ong kèm 1-2 tép tỏi.
- Cách 2: Ngâm khoảng 100g tỏi sống băm nhỏ cùng 100g mật ong trong 5-7 ngày. Khi dùng lấy bông gòn thấm đều dung dịch, áp vào mũi để tinh chất thấm vào niêm mạc. Thực hiện 2-3 lần/ngày.
Xông hơi bằng tỏi
Tác dụng: Khi xông hơi, tinh dầu tỏi và các hoạt chất sẽ theo hơi nước đi vào khoang mũi và phát huy hiệu quả chống viêm. Hơn nữa, hơi nước ấm còn giúp co mạch ở mũi, giảm bớt phù nề và nghẹt mũi.
Cách thực hiện:
- Đập dập 1 củ tỏi đã làm sạch, cho vào chậu nhỏ.
- Thêm ít muối và khoảng 1 lít nước sôi.
- Đặt chậu nước dưới mặt, cách khoảng 20-30cm, dùng khăn bông che đầu để tránh hơi nước bị thoát đi, hít thở đều 10-15 phút.
- Sau khi xông hơi, làm sạch dịch tiết trong mũi bằng nước muối sinh lý.
- Thực hiện 1-2 lần mỗi ngày
Rượu tỏi trị viêm mũi dị ứng
Tác dụng: Rượu cũng có tính sát khuẩn cao, hơn nữa đây còn là dung môi lý tưởng để chiết xuất các hoạt chất có lợi từ tỏi. Khi kết hợp, rượu tỏi sẽ là dung dịch có tính sát khuẩn cao, chống viêm hiệu quả và giảm nhanh các triệu chứng của viêm mũi dị ứng.
Cách thực hiện:
- Đập dập khoảng 300g tỏi, để trong bình thủy tinh
- Thêm rượu nếp trắng 45 độ sao cho ngập qua bề mặt tỏi khoảng 1cm, đậy nắp ủ trong 2 tuần, thường xuyên lắc bình 1-2 lần/ngày để các hoạt chất trong tỏi dễ tan vào rượu.
- Sau 2 tuần, rượu chuyển màu vàng, ngày uống 2 lần sáng và tối, mỗi lần 5-10ml. Nếu không uống được thì dùng để nhỏ mũi, mỗi lần 1-2 giọt.
Lưu ý: Người lái xe không sử dụng phương pháp này.
Thêm tỏi vào món ăn
Tác dụng: Tỏi sau khi đập dập hoặc nhai nát thì các enzym mới được hoạt hóa, chuyển alliin thành allicin có tác dụng kháng sinh thực vật.
Cách dùng: Ướp tỏi vào đồ ăn hoặc đập dập cho vào nước chấm nếu không ăn sống được.
Tỏi và dầu mè
Tác dụng: Dầu mè giàu chất chống oxy hóa giúp giảm bớt những tổn thương ở niêm mạc mũi. Hơn nữa, trong dầu mè còn có nhiều chất kháng khuẩn, chống viêm nên khi kết hợp với tỏi giúp đẩy lùi viêm mũi dị ứng khá tốt.
Cách dùng:
- Tỏi giã nát lấy nước cốt.
- Trộn tỏi với dầu mè theo tỷ lệ 1:1
- Dùng nước muối sinh lý vệ sinh mũi, sau đó lấy bông gòn thấm hỗn hợp tỏi và dầu mè lau bên trong mũi. Ngày thực hiện 2-3 lần.
Lưu ý khi dùng tỏi chữa viêm mũi dị ứng
- Không sử dụng phương pháp này khi bị dị ứng hoặc mẫn cảm với tỏi.
- Các phương pháp dù hiệu quả hay không thì cũng chỉ nên sử dụng với liều lượng cụ thể. Dùng quá liều có thể gây ra hiện tượng kích ứng cùng nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Tỏi có thể gây táo bón, nóng trong hoặc bệnh về gan.
- Ngưng sử dụng nếu thấy cơ thể có những phản ứng bất thường.
- Tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu như bạn có bệnh lý nền đang sử dụng thuốc điều trị vì tỏi có thể gây tương tác với thuốc điều trị đó.
- Tỏi có thể gây loãng máu nên không dùng nếu bạn chuẩn bị phẫu thuật hoặc đang sử dụng thuốc chống đông máu
- Nên chọn tỏi ta có hàm lượng hoạt chất cao hơn.
- Không dùng nước cốt tỏi nguyên chất nhỏ mũi vì có thể gây bỏng rát niêm mạc.
- Không nên ăn tỏi sống khi bị tiêu chảy vì allicin có khả năng gây kích thích niêm mạc.
- Không nên dùng tỏi lúc đói.
- Không nên dùng nhiều khi có tiền sử bị viêm dạ dày – tá tràng, huyết áp thấp.
- Hiệu quả của phương pháp là khác nhau tùy mỗi người. Nếu trong thời gian dài sử dụng không đạt hiệu quả như mong muốn, có thể tham khảo liệu pháp khác.
- Không nên dùng khi phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi.
Áp dụng những cách chữa viêm mũi dị ứng bằng tỏi là giải pháp được sử dụng từ lâu. Tuy vậy, khi áp dụng, bạn cũng vẫn luôn cần lưu ý để việc điều trị đảm bảo an toàn và hiệu quả lâu dài.
Cập nhật 1:44 PM , 01/04/2024