Thời tiết thay đổi, nhiệt độ tăng giảm thất thường khiến nhiều trẻ bị viêm mũi dị ứng, tình trạng này có thể kéo dài khiến cha mẹ sốt ruột và có tâm lý muốn dùng thuốc cho trẻ mau khỏi. Vậy để ngăn ngừa và điều trị hiệu quả viêm mũi dị ứng ở trẻ em, cha mẹ cần thực hiện những biện pháp gì?
Viêm mũi dị ứng ở trẻ là gì?
Viêm mũi dị ứng ở trẻ là tình trạng viêm ở niêm mạc mũi khi cơ thể tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, làm cho mũi chảy nhiều dịch trong, cảm giác ngứa, nghẹt mũi. Ở tư thế nằm, nước mũi dễ chảy xuống họng khiến trẻ bị ho.
Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng ở trẻ
Viêm mũi dị ứng là căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên, gây bệnh như:
- Tiếp xúc với các dị nguyên gây dị ứng: Lông chó mèo, phấn hoa, bụi bẩn, bào tử nấm…
- Do tác nhân môi trường: Thời tiết thay đổi thất thường khiến cơ địa trẻ không kịp thích nghi, mưa phùn, độ ẩm không khí cao, ô nhiễm…
- Các bệnh lý về đường hô hấp: Viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản…cũng gây kích thích niêm mạc mũi, dễ gây viêm mũi dị ứng.
- Do sức đề kháng kém: Thường gặp ở trẻ em và người cao tuổi, sức đề kháng yếu không đủ sức chống lại sự tấn công của tác nhân gây bệnh.
- Những chất lạ trong thực phẩm: Trứng, sữa, các loại hải sản… đều có thể gây ra dị ứng ở đường thở, trong đó có viêm mũi dị ứng.
- Di truyền: Trong gia đình có bố mẹ có tiền sử bị viêm mũi dị ứng, hen suyễn…nguy cơ trẻ bị viêm mũi dị ứng rất cao.
Triệu chứng bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ em
Hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện khiến viêm mũi dị ứng ở trẻ tăng cao hơn người lớn. Một số triệu chứng thường gặp như:
- Chảy nước mũi, ngứa mũi
- Trẻ bị ho, đặc biệt về đêm do bị chảy nước mũi sau.
- Hắt hơi liên tục.
- Mắt đỏ, sưng, ngứa hoặc chảy nước mắt.
- Nôn, trớ, quấy khóc, thở khò khè.
- Ăn kém, mất ngủ.
Biến chứng của viêm mũi dị ứng ở trẻ nhỏ
Tuy viêm mũi dị ứng không phải là bệnh nghiêm trọng nhưng nếu điều trị không đúng, không hiệu quả, bệnh có thể tiến triển thành các biến chứng nguy hiểm như:
- Viêm tai giữa
- Viêm xoang
- Hen suyễn, viêm da cơ địa.
- Trẻ khó chịu, mất ngủ, làm khả năng tập trung và ghi nhớ, ảnh hưởng tới kết quả học tập.
Viêm mũi dị ứng ở trẻ điều trị thế nào?
Cần xác định chính xác loại viêm mũi, tình trạng và mức độ bệnh để có những phương án điều trị phù hợp như:
1. Thay đổi thói quen, hành vi
- Hạn chế không để trẻ tiếp xúc với dị nguyên gây dị ứng như: Không trồng hoa gần nhà, không nuôi chó mèo, không để trẻ trong môi trường có khói thuốc, hạn chế đến nơi có khói bụi, ẩm thấp
- Duy trì độ ẩm và lưu thông không khí tạo môi trường trong lành cho trẻ.
2. Điều trị bằng phương pháp đơn giản tại nhà
- Sử dụng nước muối sinh lý 0,9%: Đây là thuốc không cần kê đơn, có thể sử dụng thường xuyên làm thuốc nhỏ mũi, rửa mũi cho trẻ. Tác dụng làm loãng dịch mũi, giúp dịch dễ thoát ra ngoài.
- Xông hơi bằng ngải cứu: Xông mũi họng cho trẻ bằng nước ngải cứu đun sôi sẽ giúp giảm triệu chứng viêm mũi dị ứng cho trẻ. Tuy nhiên, cần lưu ý khoảng cách giữa mặt trẻ và chậu xông hơi, tránh gây bỏng da trẻ.
- Hút mũi: Giúp giảm tình trạng chảy dịch ở mũi. Tuy nhiên bố mẹ lưu ý vệ sinh, sát khuẩn dụng cụ hút mũi để tránh đưa vi khuẩn vào cơ thể trẻ.
3. Điều trị viêm mũi dị ứng ở trẻ bằng Tây y
Hiện nay, có nhiều loại thuốc được sử dụng để điều trị viêm mũi dị ứng ở trẻ.
Các loại thuốc dùng tại chỗ:
- Thuốc nhỏ mũi co mạch: Có tác dụng co mạch, giúp trẻ dễ thở. Tuy nhiên, cha mẹ không nên tự ý sử dụng cho trẻ vì nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ gây tím tái, choáng và các biểu hiện khác. Nhóm thuốc này cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ về liều dùng cũng như hàm lượng của thuốc.
- Thuốc nhỏ mũi chứa corticoid: Hỗ trợ đẩy lùi triệu chứng viêm mũi dị ứng nhanh chóng. Tuy nhiên, cha mẹ không nên lạm dụng vì thuốc có thể gây nhiều tác dụng phụ như ngộ độc corticoid, suy tuyến thượng thận,…
Nhóm thuốc uống điều trị viêm mũi dị ứng cho trẻ:
- Nhóm kháng histamin: Được sử dụng rất phổ biến trong điều trị viêm mũi dị ứng, thuốc giúp giảm nhanh các triệu chứng.
- Kháng sinh: Khi trẻ bị viêm mũi dị ứng có bội nhiễm vi khuẩn thì cần sử dụng kháng sinh.
- Nhóm thuốc glucocorticoid: Chỉ dùng cho các trường hợp viêm mũi, viêm xoang nặng, mạn tính khi trẻ không đáp ứng với các thuốc điều trị khác.
Lưu ý: Nhóm này chỉ được sử dụng khi có hướng dẫn và chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa. Cha mẹ tuyệt đối không tự ý mua thuốc về cho trẻ dùng để tránh các bất lợi nhiều hơn cho sức khỏe của trẻ. Ngoài ra, thuốc có rất nhiều tác dụng phụ, cha mẹ cần nghiêm túc cho trẻ uống theo đơn.
4. Điều trị viêm mũi dị ứng ở trẻ bằng thuốc Đông y
Theo Đông y, nguyên nhân gây ra viêm mũi dị ứng là từ tạng phế, tỵ bị suy giảm khiến cho vệ khí không được bền chặt, tà khí dễ xâm nhập phế kinh làm cho phế khí mất tuyên giáng gây nên các chứng chảy nước mũi, hắt hơi, sổ mũi…
Theo đó, nguyên tắc chữa viêm mũi dị ứng của đông y là:
- Bồi bổ chính khí, tăng cường lưu thông khí huyết tạng phủ.
- Cân bằng âm dương, nâng cao chính khí.
- Khu phong, tán hàn, thẩm thấp, thanh nhiệt, giải độc, kháng viêm, ngăn ngừa tái phát.
Khác với Tây y chỉ giải quyết phần ngọn, Đông y tập trung vào điều trị tận gốc nguyên nhân gây bệnh, giải quyết triệt để các triệu chứng bệnh gây ra.
Lưu ý: Hiện nay có nhiều thuốc đông y chữa bệnh nhưng người bệnh cần chú ý lựa chọn địa chỉ rõ ràng, thầy thuốc uy tín để được thăm khám và kê đơn những bài thuốc đã được nghiên cứu bài bản.
Phòng ngừa viêm mũi dị ứng ở trẻ
Ngoài việc dùng thuốc để điều trị viêm mũi dị ứng cho bé thì việc phòng ngừa bệnh rất quan trọng:
- Tránh tác nhân gây bệnh như phấn hoa, khói thuốc lá, khói bụi…
- Hạn chế nuôi chó mèo
- Giặt chăn ga gối đệm, rèm cửa định kỳ.
- Vệ sinh chỗ ở, phòng ngủ sạch sẽ, tránh ẩm ướt, hạn chế nấm mốc phát triển.
- Giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đánh răng trước và sau khi ngủ dậy.
- Vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý, đặc biệt là sau khi trẻ đi học, đi chơi về và khi thời tiết giao mùa.
- Hướng dẫn trẻ hình thành thói quen thường xuyên rửa tay sạch sẽ, đặc biệt trước khi ăn.
- Không đưa tay lên mặt, không cho tay lên miệng, mũi.
- Cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng cân đối, tăng cường rau và hoa quả tươi để cung cấp các loại vitamin, đặc biệt là vitamin C tăng cường sức đề kháng.
- Đảm bảo cho trẻ ngủ đúng giờ, tốt nhất là nên ngủ từ 21h, không cho trẻ thức sau 22h.
- Trong những ngày chuyển mùa, cần đặc biệt chú trọng việc giữ ấm cho cơ thể trẻ, nhưng cũng không nên mặc quá nhiều quần áo khiến trẻ đổ mồ hôi, khó chịu.
Viêm mũi dị ứng ở trẻ là bệnh khá phổ biến và ít gây biến chứng nguy hiểm, tuy nhiên cha mẹ không nên chủ quan. khi trẻ bị viêm mũi dị ứng đột ngột, kèm các triệu chứng bất thường, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và có biện pháp điều trị phù hợp.
Viêm mũi dị ứng ở trẻ em không gây nguy hiểm đặc biệt, nhưng có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày của trẻ. Nếu không được kiểm soát hoặc điều trị, bệnh có thể gây ra một số vấn đề nhất định.
Viêm mũi dị ứng ở trẻ em không tự khỏi hoàn toàn nhưng có thể được kiểm soát và quản lý tốt thông qua các biện pháp điều trị, thay đổi môi trường và phòng ngừa tác nhân gây dị ứng. Việc này giúp giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của trẻ.
Nên đưa trẻ đi khám bác sĩ nếu trẻ có các triệu chứng viêm mũi dị ứng kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày hoặc gây khó khăn trong học tập. Nếu có biểu hiện khó thở, đau tai, hoặc các dấu hiệu không bình thường khác, việc tìm sự tư vấn y tế là cần thiết.